Giáo dục

Cho học sinh 5 điểm thay vì 4,5 điểm

Nhiều nhà giáo lâu năm đưa ra lời khuyên rằng nếu giáo viên phân vân giữa việc cho học sinh điểm 4,5 hay 5 điểm, thì hãy chọn cho điểm 5. Vì như thế sẽ có tác dụng tích cực nhiều hơn.

Ảnh minh họa. Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cũng như vậy, trong việc giáo dục đạo đức học trò, nếu băn khoăn giữa hai cách xử lý: thật cứng rắn, dùng “thuốc đắng” để học sinh (HS) “dã tật” và cách khác là mềm dẻo hơn, lấy lời “mật ngọt” để các em “nghe lọt đến xương” mà tâm phục khẩu phục… thì giáo viên nên chọn cách ứng xử thứ hai. Điều này rất dễ mang lại hiệu quả với đa số đối tượng HS, nhất là các em chưa ngoan, cá biệt.

Cách đây khá lâu tôi có một học trò rất hiếu động, nghịch ngợm. Em là “trung tâm” của mọi sự rắc rối, phiền toái gây ra cho lớp. Sức học chỉ ở mức trung bình nhưng trong lớp em luôn là “đầu tàu” thu hút các bạn khác theo mình, bất luận việc làm của em đúng hay sai. Sau nhiều lần khiển trách, kiểm điểm song em chẳng có chuyển biến gì, tôi quyết định cho em làm… lớp phó kỷ luật. Từ đó em luôn năng nổ, nhiệt tình, bạn bè nghe theo răm rắp và lớp tiến bộ rất rõ về kỷ luật.

Một giáo viên kể rằng: “Lớp tôi chủ nhiệm có HS tên H. rất cá biệt, tuần nào em cũng có lỗi vi phạm. Vào lớp thường ngủ vùi, điểm số lại rất kém và đặc biệt thường thu mình khép kín, ít hòa đồng với bạn bè. Sau nhiều lần cam kết, tôi dọa sẽ đưa em ra hội đồng kỷ luật của trường. Chiều hôm đó, khi ra nhà xe về nhà, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ ghi vội mấy chữ 'Cô hãy cười tươi đi' dán trên yên xe của tôi. Vì vội, tôi không để ý đến chiếc kính xe bị bể nhưng cũng thắc mắc về nguồn gốc của tờ giấy. Hôm sau, tôi mời em H. ở lại cuối buổi học gần một giờ đồng hồ để tâm sự như một người chị, người mẹ với em và em kể hoàn cảnh của mình trong đầm đìa nước mắt: Cha là kiến trúc sư, mẹ là cô giáo tiểu học. Vì cầu toàn về con, cha đã đối xử quá khắc nghiệt, làm tình cảm cha con rạn vỡ. Sau những bữa ăn trong yên lặng, thế giới của em là căn phòng khép kín với bốn bức tường, mẹ em nghĩ như thế sẽ tốt cho em. Và em đã nghiện game nặng. Em cũng đã thú thật với tôi rằng: 'kính xe của cô bị bể là do chính em lấy đá đập'. Tôi không trách em, tôi cũng thôi ý định đưa em ra kỷ luật. Trách nhiệm nhắc nhở tôi phải làm một người bạn với em. Năm vừa rồi, từ một HS yếu, H. đã đạt danh hiệu tiên tiến”, giáo viên này kể một cách tự hào.

Hai câu chuyện trên cho ta bài học để kiểm chứng sự đúng đắn của lời dạy xưa: “Mềm nắn, rắn buông”. HS “mềm” thì giáo viên hãy cứng để “nắn”, nhưng nếu HS quá “rắn”, khó “nắn”, thì không phải giáo viên “buông” mà nên dùng cách mềm để giáo dục. Tốt nhất nên cảm hóa bằng tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia. Chớ nên đưa HS vào tình thế dễ dẫn đến cảnh “tức nước” sẽ bị “vỡ bờ”. Cần nhẫn nại, kiên trì. Chớ quá vội vàng dồn các em vào con đường cùng, bế tắc. Đừng đẩy các em phải sớm ra ngoài xã hội. Đó không phải cách hay của giáo dục, và lúc ấy hậu quả sẽ thật sự khó lường!

Tác giả: Trần Nhân Trung

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: cho điểm , giáo viên , học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP