Ông TS Thái Văn Tài chia sẻ với Zing.vn về những điểm mới cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học so với chương trình hiện hành.
Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh
Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới xác định mục tiêu hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Trong giáo dục, phẩm chất của người học được hình thành và phát triển thông qua nội dung kiến thức của một số môn học, phương pháp giáo dục.
TS Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT - cho hay chương trình mới có nhiều thay đổi. |
Chương trình giáo dục phổ thông mới mới hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi. Đó là năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những năng lực chuyên môn được hình thành là: Ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội (khoa học), công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình phổ thông mới còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt năng khiếu của học sinh.
Thêm buổi học nhưng số lượng môn giảm
So với chương trình phổ thông hiện hành, chương trình mới mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong chương trình có thêm 2 môn học mới là: Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ. Đối với một số địa phương, việc bổ sung giáo viên Tin học và Tiếng Anh là thách thức không nhỏ, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Chương tình phổ thông mới là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học đều tăng lên. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Học sinh tiểu học sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, đây lại là thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày sẽ thực hiện kết hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Học sinh lựa chọn chủ đề học tập
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản tiểu học và THCS, chương trình giáo dục phổ thông mới một mặt thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp. Mặt khác, thiết kế một số môn học và hoạt động theo các chủ đề, phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Trong đó, dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong đời sống, qua đó phát triển được năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề. Tính tích hợp thể hiện qua sự huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực, nhiều môn học để giải quyết có hiệu quả một vấn đề và thường đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
So với chương trình hiện hành, chủ trương dạy học tích hợp trong chương trình mới có một số điểm khác như: Tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học. Tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.
Cụ thể ở cấp tiểu học, chương trình mới tiếp tục xây dựng một số môn học có tính tích hợp trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học. Ngoài ra ở tiểu học còn có một hoạt động giáo dục tích hợp là hoạt động trải nghiệm.
Thời gian qua, hình thức tổ chức giáo dục trong giáo dục phổ thông ở nước ta chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp giáo dục nhìn chung còn lạc hậu, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.
Học sinh tự đánh giá kết quả học tập
Trong chương trình mới, việc đánh giá học sinh sẽ có những thay đổi căn bản. Việc đánh giá dựa trên các căn cứ về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.
Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình.
Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ công tác phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tác giả: Quyên Quyên
Nguồn tin: zing.vn