Giáo dục

Nhiều giáo viên tiểu học, THCS bắt đầu vào cuộc chạy đua bằng cấp

Từ khi có dự thảo trình độ chuẩn mới đối với giáo viên, nhiều giáo viên tiểu học và THCS bắt đầu vào cuộc chạy đua bằng cấp.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam văn bản góp ý kiến cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Một trong những điều đáng chú ý mà Hiệp hội góp ý cho dự thảo là về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo Điều 72 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định: “Giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.

giáo viên

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên cao hơn so với hiện hành (ảnh minh họa)

Theo quan điểm của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, trong điều kiện hiện nay của đất nước nên mềm hóa việc này. Nhà nước nên tiếp tục “thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” như Luật Giáo dục 2005 (Điều 77). Mặt khác, “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm” như quy định tại Nghị quyết 29; thay thế dần người có trình độ theo hướng này nhưng không áp đặt cứng.

Điều khiến Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đề xuất như vậy là trên cơ sở xem xét tình hình thực hiện trình độ chuẩn hiện hành đối với giáo viên, tại Nghị quyết 29 Trung ương Đảng đã chỉ đạo: “Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên,...”. Rõ ràng, cơ quan Trung ương không chỉ đạo giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, không quy định cứng trình độ giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

Trình độ chuẩn giáo viên hiện hành có giá trị thực tiễn cao. Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Dự thảo Luật Giáo dục quy định về trình độ chuẩn giáo viên mầm non, phổ thông có hiệu lực vào 1/1/2026 (Điều 119), vào thời điểm đó Luật Gíao dục lại rơi vào chu kỳ sửa đổi.

Hoạt động chăm sóc giáo dục mầm non rất phong phú, đa dạng. Không phải mọi đối tượng lao động, mọi cơ sở giáo dục mầm non đều cần trình độ cao đẳng. Nhiều nước trên thế giới cũng vậy.

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho biết, từ khi dự thảo trình độ chuẩn mới đối với giáo viên, rất nhiều trường cao đẳng sư phạm (CĐĐSP) là thành viên Hiệp hội và nhà giáo dục đã phân tâm, lo cho hệ thống CĐSP biến mất. 159.934 giáo viên tiểu học (40,36%) và 78.974 giáo viên THCS (25,4%) bắt đầu vào cuộc chạy đua bằng cấp. Trong khi đó, nhiệm vụ thay sách giáo khoa mới đang khởi động./.

Tác giả: Bích Lan

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP