Pháp luật

Xét xử “Đại án Hứa Thị Phấn” gây thiệt hại trên 6.300 tỷ đồng

Với thủ đoạn nâng khống giá trị bất động sản, hạch toán khống, Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm gây thiệt hại 6.341 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Đại Tín.

Sáng nay (8/5), Tòa án nhân dân TPHCM đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (Trustbank) ra xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Trustbank) được xác định là chủ mưu vụ án đã không có mặt tại Tòa do bị mất đến 93% sức khỏe, không có khả năng đi lại.

Các bị cáo tại Tòa

Kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tại cáo trạng cho biết: Với thủ đoạn nâng khống giá trị của bất động sản, hạch toán thu – chi khống, Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm đã gây thiệt hại 6.341 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank). Ngân hàng này sau đó được Phạm Công Danh mua lại và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (tức VNCB).

Có 28 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, trong đó 2 bị cáo: Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trustbank, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ và Bùi Thị Kim Loan, nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ được xác định có vai trò giúp sức tích cực cho Hứa Thị Phấn. Cả 3 cùng bị truy tố 2 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Lâm Kim Dũng, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 24 bị cáo còn lại bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tòa cũng triệu tập 115 cá nhân, các đại diện của 16 ngân hàng, đại diện của 47 công ty và các trường học, cơ quan Nhà nước đến tòa với tư cách có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và làm chứng. Trong số này có bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thiên Thanh.

Cũng theo cáo trạng, ngoài những hành vi chiếm đoạt và gây thiệt hại 6.341 tỷ đồng, trong vụ án này, cơ quan điều tra vẫn chưa tính đến khoản tiền trên 5.643 tỷ đồng thiệt hại do 3 hành vi của bị cáo Hứa Thị Phấn được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.

Trước đó, Hứa Thị Phấn đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 17 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Nhưng do bị cáo Phấn kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.

Để đảm bảo cho việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên nhiều bất động sản và phong tỏa chứng khoán của bị cáo Hứa Thị Phấn.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 31/5./.

Tác giả: Huy Sơn

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP