Pháp luật

Xét xử cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca: Những lời khai mâu thuẫn

Cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca phủ nhận việc hứa chạy án trong khi vợ chồng "trùm hóa đơn" khẳng định ngược lại

Ngày 10-4, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cùng 12 bị cáo khác với các tội: "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chạy tội

Gần 8 giờ, xe chuyên dụng lần lượt chở các bị cáo đến tòa. Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy an ninh của phiên tòa được thắt chặt, chỉ những người có giấy triệu tập mới được vào tham dự.

Cựu giám đốc Công an Hải Phòng mặc bộ quần áo màu xanh, mái tóc bạc trắng, dáng vẻ tiều tụy và gầy hơn rất nhiều so với trước khi bị bắt. Trong vụ án, bị cáo bị VKSND tỉnh Quảng Ninh truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các đồng phạm Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng và nhân viên dưới quyền Đỗ Thanh Hoài hầu tòa với cáo buộc nhận hối lộ; Trương Xuân Đước, còn gọi là "trùm hóa đơn", và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh (trú tại TP Hải Phòng) tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" và "Đưa hối lộ"; 8 bị cáo còn lại bị truy tố tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" và "Trốn thuế".

Theo cáo trạng, từ tháng 3-2013 đến tháng 5-2022, qua việc mua bán hóa đơn trái phép, vợ chồng Trương Xuân Đước thu lợi bất chính hơn 41 tỉ đồng. Để việc mua bán hóa đơn trái phép không bị phát hiện, Đước đã tìm gặp Nguyễn Đình Đương nhờ "giúp đỡ".

Sau đó, Nguyễn Đình Đương và cấp dưới Đỗ Thanh Hoài hướng dẫn cho vợ chồng Đước cách thức kê khai thuế để không bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Từ tháng 8-2021 đến tháng 8-2022, vợ chồng Đước đã đưa tổng cộng 362 triệu đồng cho Đương và Hoài. Trong đó, 70 triệu đồng tiền phong bì nhận tại phòng làm việc của Đương, 192 triệu đồng tiền chi phí theo tỉ lệ 3 triệu đồng/1 tỉ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế GTGT) theo thỏa thuận đã thống nhất trước đó...

Vào khoảng tháng 10-2022, biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, Đước bỏ trốn và dặn vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca để nhờ chạy tội.

Các bị cáo được dẫn giải tới tòa

Bị cáo Đỗ Hữu Ca

Phủ nhận lời khai của nhau

Hồ sơ thể hiện từ cuối tháng 10-2022 đến khoảng tháng 12-2022, vợ chồng Đước 4 lần đến gặp và đưa tổng cộng 35 tỉ đồng cho cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng tại nhà ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Bị cáo Đỗ Hữu Ca dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát việc bị xử lý hành vi mua bán hóa đơn trái phép nhưng vẫn hứa hẹn giúp.

Tại phiên tòa, trả lời về mối quan hệ với cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng, Trương Xuân Đước cho biết có tình cảm đặc biệt với gia đình ông Ca. Hai bên coi nhau như người thân trong nhà. Vợ chồng bị cáo khẳng định 4 lần đưa 35 tỉ đồng cho ông Ca là để nhờ "chạy án, lo giúp thoát tội".

Bị cáo Đỗ Hữu Ca thừa nhận 4 lần nhận tổng số tiền 35 tỉ đồng từ vợ chồng Đước nhưng một mực phủ nhận cáo buộc hứa "chạy án", nói chỉ giữ hộ để tìm cách giúp đôi vợ chồng này khắc phục hậu quả. Bị cáo Ca nhiều lần khai không biết mục đích vợ chồng Đước mang tiền đến nhà mình để nhờ "chạy tội".

Bị cáo trần tình có suy nghĩ tìm cách cứu Đước trên cơ sở quy định pháp luật, với nguyên tắc đã xâm phạm tiền nhà nước thì phải bồi thường để hưởng khoan hồng chứ bản thân không chấp nhận việc chạy chọt. Theo bị cáo, Ngọc Anh đến kêu khóc rất nhiều để nhờ giúp đỡ. Bị cáo coi Đước như em nhưng cứu là theo pháp luật, đã lấy tiền của nhà nước là phải bồi hoàn thiệt hại để nhận được sự khoan hồng.

"Vợ chồng Ngọc Anh mang đến nhà bị cáo số tiền rất lớn và không báo trước. Bị cáo rất bất ngờ… Cách chuyển tiền của Ngọc Anh không có địa chỉ đến, không có sổ sách, không nói rõ tiền này là tiền gì, không nói rõ số tiền bao nhiêu" - bị cáo Ca kể.

"Bị cáo không hề nói Ngọc Anh đưa tiền chạy tội cho Đước, không nói mang tiền đến nhà. Đây là sự ngộ nhận, hiểu lầm của Ngọc Anh kéo theo hệ lụy khác" - bị cáo Ca nói tiếp, đồng thời cho hay lúc nhận thấy tiền này liên quan vụ án Công an tỉnh Quảng Ninh đang điều tra thì đã chủ động nộp lại chứ không có ý định chiếm đoạt.

Trả lời câu hỏi "Ngọc Anh đến đòi lại tiền, bị cáo có trả lại không?", bị cáo Ca khai không có việc này và nhắc lại từ đầu đến cuối không bao giờ có ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ chồng "trùm hóa đơn".

Trong phần kiểm tra lý lịch, bị cáo Đỗ Hữu Ca cho biết mình bị bệnh đau chân. Sau khi kiểm tra tình hình sức khỏe của bị cáo, chủ tọa thông báo khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, nếu nội dung nào dài sẽ cho phép bị cáo Đỗ Hữu Ca được ngồi nghe.

Được nhiều cá nhân, đơn vị xin giảm nhẹ

Theo thông báo từ chủ tọa, ngoài một số cơ quan nơi ông Đỗ Hữu Ca từng công tác, còn có nhiều người dân đến tòa gửi đơn xin giảm trách nhiệm hình sự cho cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng.

Trong đó, một số cơ quan nơi ông Ca từng công tác như Công an TP Hải Phòng, Hội Luật gia TP Hải Phòng gửi đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo. Chính quyền địa phương nơi ông Ca sinh sống như xã Kênh Giang, Ủy ban MTTQ huyện Thủy Nguyên… cũng có đơn tương tự.

Cũng theo chủ tọa, trước khi phiên xét xử diễn ra có rất đông người dân đi ô tô đến tòa gửi đơn xin giảm nhẹ cho ông Đỗ Hữu Ca.

Tác giả: TRỌNG ĐỨC

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP