Trong nước

Xả lũ hồ Kẻ Gỗ: Sẵn sàng sơ tán hàng nghìn hộ dân

7h sáng nay, công trình thủy nông Kẻ Gỗ xả lũ. Người dân huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và phụ cận lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Cẩm (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Không biết lượng nước xả ra ở Kẻ Gỗ có ảnh hưởng nhiều không. Dù đã nhận thông báo nhưng tôi vẫn thấy lo, vì không biết sẽ ngập như thế nào".


Người dân xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên sơ tán lúa gạo lên vùng cao trước ngày hồ Kẻ Gỗ xả lũ

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh - đơn vị quản lý, vận hành hồ Kẻ Gỗ nói: “Không thể đánh giá được mức độ ngập lụt vùng hạ du sau khi xả. Tuy nhiên, với lưu lượng xả UBND tỉnh đã thông báo thì xác suất ngập lụt như năm 2010 là khó xảy ra”.

Ông Sơn cho rằng, việc xả lũ đã cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo quy trình được phê duyệt, trước ngày 30/10 mực nước trong hồ chỉ giữ mức 30,5m nhưng đến sáng 16/10 mực nước đã lên 30,8m và đang tiếp tục dâng nên phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình.


Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật chỉ đạo công tác di dời một số hộ dân là người già neo đơn ở xã Cẩm Duệ

Nếu trời nắng thì sẽ giảm lưu lượng xả dưới 300m3/s và mở xả vào thời điểm thủy triều xuống.

“Chúng tôi đã huy động 24 người trực trạm 24/24h, điều động thêm cán bộ của công ty lên hỗ trợ vận hành xả tràn. Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế mức tối đa ngập lụt cho hạ du. Bà con cũng không nên lo lắng quá” - ông trấn an.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Đại công trình thủy nông Kẻ Gỗ có dung tích 345 triệu m3. Hiện nước đã đến cao trình 30,5m và trong bối cảnh tiếp tục mưa bão nên sáng 17/10 là thời điểm phù hợp để xả lũ”.


Xã Cẩm Duệ ngày 16/10 vẫn chìm trong biển nước

Theo ông, việc xả lũ ở hồ Kẻ Gỗ là đúng quy trình, có kịch bản.

“Tỉnh chỉ đạo huyện đôn đốc hướng dẫn nhân dân có các biện pháp kịp thời để ứng phó với lũ. Đặc biệt, người dân cần chủ động các biện pháp an toàn, chủ động, không được chủ quan”.

Sơ tán người, gia súc, lương thực lên vùng cao

Ông Trần Việt Hà, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, nhấn mạnh: “Khi có thông tin xả lũ, chúng tôi đã có công điện khẩn tới các xã trong vùng ảnh hưởng. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là 10 xã phía Tây Nam huyện, với 3.335 hộ.

Huyện chỉ đạo ứng phó lũ tới tận từng xã, thông báo trên loa phát thanh thông tin liên quan đến đợt xả lũ ở Kẻ Gỗ lần này. Đồng thời, sơ tán người, gia súc và lương thực lên vùng cao”.


Nhiều vùng ở TP Hà Tĩnh vẫn đang ngập lụt. Người dân lo lắng lượng nước lớn bồi thêm khi xả sẽ gây tình trạng ngập nặng

Tại huyện Cẩm Xuyên, nơi có 7 xã, khoảng 36.000 dân, đã điều động 14 ô tô, 20 thuyền từ biển lên, 100 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội về thường trực ở cơ sở để ứng cứu.

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật cho biết, huyện đã lên phương án, sẵn sàng cho việc di dời gần 2.000 hộ dân vùng trũng đến nơi an toàn.


Hồ Kẻ Gỗ trước giờ xả lũ (ảnh chụp chiều 16/10).

“TP Hà Tĩnh cũng đang chuẩn bị các phương án để phòng ngừa lũ lụt có thể xảy ra. Chúng tôi đã cử cán bộ về trực tiếp chỉ đạo ở các xã, phường có nguy cơ ngập sâu”, ông Lương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh nói.

Hồ Kẻ Gỗ là hồ chứa nước nhân tạo tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xây dựng vào ngày 26/3/1976 và hoàn thành năm 1979.

Đây là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh, với trữ lượng 350 triệu m3 nước, tưới cho gần 17.000ha lúa, mùa, vùng đất thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh và phía bắc huyện Kỳ Anh.

Tác giả bài viết: Thiện Lương - Duy Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP