Giáo dục

Vụ nam sinh nhảy lầu tự tử: Hãy thôi đặt sĩ diện lên vai con trẻ

Một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên, tương lai còn rộng dài phía trước. Lẽ ra mọi thứ đã khác nếu như em được phát triển một cách tự nhiên.

Sau rất nhiều câu chuyện ngổn ngang của ngành giáo dục, việc một nam sinh lớp 10 ở thành phố Hồ Chí Minh nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành, đã như một nhát dao, cứa vào lòng người lớn, nhất là các bậc làm cha, làm mẹ. Trong bức thư tuyệt mệnh, nam sinh này cho biết, em phải chịu áp lực lớn từ việc học tập khi không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình!

Áp lực học hành, thi cử khiến học sinh mệt mỏi (Ảnh:KT)

Lấy sinh mạng của mình ra để “đền đáp” ước nguyện của cha mẹ. Một cái kết quá đau lòng!

Tuổi mới lớn thường nông nổi, manh động. Lẽ ra, chúng cần được hiểu, được thông cảm, chia sẻ nhưng không, khẩu hiệu của người lớn luôn dành cho chúng là: phải học, học thật nhiều, điểm thật cao. Môi trường giáo dục càng nghiêm khắc càng tốt. Trong môi trường ấy, con có thích nghi được hay không? Cha mẹ không cần biết. Trong môi trường ấy, con có đủ sức theo kịp bạn bè hay không? Cha mẹ không cần hay? Miễn sao, đã vào trường ấy thì phải học thật giỏi, đã vào trường đấy là phải đỗ đại học "top" đầu. Áp lực ấy đè nặng lên vai con trẻ khiến chúng mệt mỏi, tuyệt vọng.

Sau vụ tử tử của nam sinh, đại diện nhà trường cho biết: “Đa phần từ trước đến nay, các học sinh đều sớm thích nghi với môi trường đào tạo nghiêm khắc tại đây nhưng vẫn có một bộ phận cảm thấy áp lực do chưa theo kịp”. Xin thưa, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện học sinh tự tử vì áp lực học hành, vì môi trường giáo dục nghiêm khắc!

“Trường chuyên lớp chọn” lâu nay đã trở thành đích đến của không ít ông bố, bà mẹ, đặc biệt ở các thành phố lớn. Để có một suất học cho con ở đây, cha mẹ không tiếc tiền của, không tiếc thời gian. Đầu tư thật nhiều để con học ngày, học đêm, học trên lớp, học gia sư, học thầy trong nước, học giáo viên nước ngoài…. Chúng trở thành công cụ để thực hiện ước mơ của lớn. Đã đầu tư như vậy, đã kỳ vọng như thế mà con không thực hiện được, lẽ đương nhiên, họ sẽ trút giận lên đầu đứa trẻ. Không ít ông bố, bà mẹ đã thốt lên rằng: “Không phải lao ra đường kiếm tiền, chỉ có mỗi việc học mà cũng không xong!”. Bọn trẻ bị tổn thương, ngày qua ngày, tích tụ.

Áp lực học hành từ "truyền thống gia đình". Ảnh minh họa

Rất ít đứa trẻ trả lời được câu hỏi: “Học để làm gì, sau này muốn làm nghề gì”. Việc của chúng là học thật giỏi, đạt thành tích tốt nhất trong các kỳ thi, đôi khi chỉ để cha mẹ tự hào với thiên hạ. Chúng đang bị cuốn cuộc đua điểm số và thành tích, mọi kỹ năng mềm bị xem nhẹ.

Rất nhiều đứa trẻ có thành tích cao nhưng tuyệt nhiên, không quan tâm đến bất kỳ vấn đề gì trong xã hội, không biết làm việc nhà, không tự phục vụ bản thân. Khi đối mặt với khó khăn thì trở nên lúng túng. Trong nhà trường, giáo dục đạo đức, định hướng tâm lý lứa tuổi…không được coi trọng.

Thực trạng sính bằng cấp, sính những giá trị ảo là căn bệnh trầm kha. Ngay người lớn còn tìm mọi cách để có học hàm, học vị, để được giới thiệu là ông nọ, bà kia. Lẽ đương nhiên, họ cũng muốn con em mình như vậy, nhất là với những gia đình “có truyền thống học hành”. Truyền thống ấy giống như con dao hai lưỡi. Một mặt, nó trở thành động lực nhưng mặt khác, nó lại là áp lực.

Một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên, tương lai còn rộng dài phía trước. Lẽ ra mọi thứ đã khác nếu như em được phát triển một cách tự nhiên, đúng sở trường, đúng năng lực. Nếu không muốn tái diễn câu chuyện đau lòng này, xin các bậc làm cha làm mẹ, hãy thôi đặt sĩ diện lên vai con trẻ!./.

Tác giả: Sông Hương

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP