Pháp luật

Vụ lừa chạy điểm, chạy trường tại Bình Dương: Bị cáo bất ngờ khai nhận số tiền hàng chục tỷ đồng

Sau gần 10 ngày, sáng 23/5, TAND tỉnh Bình Dương - nơi xét xử Vũ Thị Tuyết Trinh (SN 1965, ngụ tại P.Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị bắt tạm giam ngày 20/9/2016), bị can chính trong vụ lừa đảo chạy điểm, chạy trường chạy việc gây xôn xao dư luận - đã cho rằng vụ án có nhiều đối tượng liên quan cần phải được làm rõ nên tuyên trả hồ sơ, điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Bình Dương thì Trinh làm việc tại Trung tâm phòng chống HIV- AIDS thuộc Sở y tế tỉnh Bình Dương. Bản thân Trinh không giữ chức vụ gì, không có khả năng xin việc, xin học cho người khác. Tuy nhiên Trinh đã tiếp xúc với nhiều người có nhu cầu xin việc vào các cơ quan nhà nước, xin đi học tại các trường y tế, trường thuộc lực lượng vũ trang để nhận của mười trường hợp với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.

Khi không lo được việc, Trinh vẫn không trả tiền nên người dân đã viết đơn tố cáo công an. Theo kết luận điều tra thì mỗi trường hợp nhận tiền Trinh thường viết giấy biên nhận “lo điểm chạy trường” hoặc “giấy mượn tiền” của các nạn nhân.

Bị cáo Vũ Thị Tuyết Trinh tại phiên tòa.

Tuy nhiên trong các phiên xét xử, bị cáo Trinh đã khai nhận số tiền không chỉ là 2,8 tỷ mà đã lên đến gần 12 tỷ đồng. Trinh khai trước tòa, vụ án này không phải do một mình Trinh thực hiện bởi còn có ba người là bà Ngô Anh Nga (ngụ tại Q9, TP.HCM, người Trinh khai chủ động yêu cầu Trinh nhận chạy việc và giới thiệu Trinh với ông Trần Thanh Tuấn bà Phạm Thị Thu Hoa); ông Tuấn (ngụ tại Khánh Hòa, người Trinh khai là nhận tiền để đi quan hệ chạy trường); bà Thu Hoa (ngụ tại Q3, TP.HCM, Trinh khai là người đã nhận tiền chạy trường và chạy việc) đã nhận tiền từ Trinh tổng cộng đến 12 tỷ đồng và nhận tiền trực tiếp từ một số nạn nhân nhưng không hiểu tại sao không bị xử lý, trong khi bị cáo là người trung gian.

Cũng tại các phiên xét xử, bị cáo Trinh đã đưa ra các bằng chứng về các đoạn ghi âm thể hiện mối liên hệ giữa bị cáo và ông Tuấn và việc bị cáo chuyển tiền cho Tuấn qua 3 ngân hàng, ngoài ra gia đình bị cáo còn cung cấp cho ông HĐXX một bản gốc giấy nhận tiền của ông Tuấn, cần phải xác minh.

Chủ tọa phiên tòa cũng cho rằng ông H., một nạn nhân trong vụ án này đã thừa nhận trực tiếp đưa tiền cho bà Thu Hoa và bà Trinh số tiền 170 triệu đồng chạy trường cho con cần phải được làm rõ vai trò của bà Hoa trong vụ án.

Tòa cũng khảng định, biên bản đối chất giữa bà Ngô Anh Nga và lời khai của bà Kim Thanh (bà Thanh chạy cho con ruột là anh Đ. vào một trường vũ trang) đủ dấu hiệu xử lý đối với ông Trần Thanh Tuấn nhưng chưa được VKS làm rõ.

Chưa hết, HĐXX còn nhận định việc kê biên một thửa đất của bị cáo Trinh tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương mà bị cáo đã bán trước khi bị bắt 13 năm (2004) cần phải mời đương sự lên làm rõ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua.

Đối với các trường hợp chạy việc, bị cáo khai trước tòa, HĐXX yêu cầu cần phải làm rõ việc giao nhận tiền giữa bị cáo Trinh, bà Nga và bà Hoa. Chủ tọa phiên tòa cũng xác định, trong quá trình xét xử, bị cáo Trinh đã khai là có nhận số tiền lên đến 12 tỷ đồng (kết luận điều tra chỉ 2,8 tỷ) nên tòa yêu cầu phải thông báo để tìm thêm người bị hại. Những ai là nạn nhân trong vụ án này nên tố cáo đến cơ quan điều tra để xử lý.

Với những vấn đề nêu cùng với việc những người liên quan không có mặt trong suốt quá trình xét xử, HĐXX TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định trả lại hồ sơ để điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vụ án này là một trong những bài học cho các bậc phụ huynh đang có ý định bỏ tiền chạy trường, chạy điểm cho con em mình trong kỳ thi tuyển sinh 2018 sắp tới.

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tiếp theo khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Tác giả: Mạnh Cường

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP