Thế giới

Vụ ám sát tổng thống gây chấn động ở Haiti

Các chuyên gia và giới quan sát nhận định vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hôm 7/7 có thể dẫn đến một chương mới bất ổn hơn nữa trong lịch sử của Haiti.

Vụ ám sát Tổng thống Haiti hôm 7/7 đánh dấu cao trào của cuộc khủng hoảng an ninh và chính trị đang diễn ra tại nước này. Đây cũng có thể là khởi đầu cho một chương mới đầy bạo lực trong lịch sử vốn đã nhiều biến động của quốc gia Caribe, theo Guardian.

Tổng thống Jovenel Moise bị bắn chết tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince. Các quan chức chính phủ và nhân chứng cho biết vụ tấn công do "lính đánh thuê" thực hiện. Những người này mặc đồ đen, giả dạng đặc vụ từ Lực lượng Chống Ma túy (DEA) của Mỹ.

Vợ Tổng thống Jovenel Moise, Đệ nhất Phu nhân Martine Moise, cũng bị thương trong vụ tấn công.

Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát hôm 7/7, vợ ông cũng bị thương trong vụ tấn công. Ảnh: Reuters.

Robert Fatton, giáo sư chính trị học người Haiti từ Đại học Virginia, cho biết: “Tôi thực sự chết lặng trước sự kiện này. Tôi không hiểu làm thế nào mà những người đó có thể vào bên trong dinh thự của tổng thống, giết ông ấy và sau đó rời đi. Tất cả tình tiết đều rất kỳ lạ. Tôi không chắc có ai được lợi gì từ việc này. Chúng tôi không có manh mối nào".

Giáo sư Fatton cho biết thêm trong lịch sử hiện đại của Haiti, quốc gia này chưa từng ghi nhận vụ ám sát tổng thống nào.

“Đất nước chúng tôi từng có các cuộc đảo chính, nhưng việc ám sát một tổng thống thì khác. Nó vượt xa những gì tôi từng chứng kiến ở Haiti", giáo sư này nói.

Vị trí lãnh đạo bị bỏ trống

Các chuyên gia cho rằng vụ ám sát Tổng thống Moise là tín hiệu xấu cho tương lai của một quốc gia vẫn đang chiến đấu với nghèo đói, trong khi phải vật lộn với hàng loạt các cuộc khủng hoảng khác liên quan đến Covid-19: Từ chính trị, kinh tế và tội phạm có tổ chức.

“Tình thế hiện nay rất không chắc chắn. Theo hiến pháp Haiti, tổng thống lâm thời phải là chánh án (tòa án tối cao). Nhưng chánh án đã qua đời vì Covid-19 vào tháng trước. Vậy nên rõ ràng là không có ai cáng đáng vị trí này", giáo sư Fatton cảnh báo.

Hiện chưa rõ ai là thủ tướng của Haiti. Trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise dự kiến bổ nhiệm ông Ariel Henry làm thủ tướng vào ngày 7/7, sau khi cách chức thủ tướng trước đó là Claude Joseph.

Chính trong sự kiện bổ nhiệm thủ tướng sáng 7/7 này, ông Joseph là người ra tuyên bố về vụ sát hại Tổng thống Moise.

Tổng thống Haiti Moise tại thủ đô Port-au-Prince vào năm 2018. Ảnh: AP

“Chúng tôi không có quốc hội. Chúng tôi có một thủ tướng không còn là thủ tướng nữa. Một chánh án đã chết. Lực lượng cảnh sát đang tan rã. Thành viên băng đảng xã hội đen lượn lờ trên đường phố Port-au-Prince. Vì vậy, không có ai thực sự cáng đáng trọng trách này. Tôi nghĩ điều này sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn", ông Fatton nhận định.

Tổng thống Moise không xuất thân từ chính trường. Trước khi trở thành nhà lãnh đạo của Haiti, ông là doanh nhân xuất khẩu chuối.

Ông được bầu làm tổng thống vào cuối năm 2016. Trên mạng xã hội, ông tự miêu tả mình là một kẻ ngoài cuộc, một doanh nhân chuối của Haiti.

Khi Tổng thống Moise nhậm chức vào tháng 2/2017, một số người hy vọng doanh nhân này có thể bình ổn nền chính trị vốn nổi tiếng hỗn loạn của Haiti - một trong những quốc gia nghèo nhất tây bán cầu.

Với dân số 11 triệu người, Haiti vẫn đang vật lộn hồi phục sau trận động đất năm 2010 và dịch tả bùng phát sau thiên tai.

Từ đó cho tới nay, quốc gia Caribe này ngày càng rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ ngày càng lan rộng của công chúng trước nạn tham nhũng. Họ chỉ trích ông không đủ năng lực lãnh đạo, làm xói mòn nền dân chủ, gia tăng bạo lực chính trị và không triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 cho người dân.

Pierre Espérance là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Nhóm của ông thống kê được kể từ tháng 11/2018, 13 vụ thảm sát xảy ra ở Haiti liên quan đến băng đảng xã hội đen, trong đó 437 người thiệt mạng và 129 người mất tích.

“Tình hình ở đó thực sự rất phức tạp", ông Espérance nói.

Binh lính tuần tra ở Pétion Ville, khu phố nơi Tổng thống Moise sống tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: AP.

Tương lai nào cho Haiti?

Fulton Armstrong, chuyên gia của Đại học Mỹ tại Haiti, cảm thấy sốc khi tình trạng bạo lực ngày càng leo thang ở nước này, nhưng ông không ngạc nhiên khi nghe tin Tổng thống Moise bị ám sát.

“Khi tình trạng bạo lực leo thang mất kiểm soát, khi những người dân vô tội bị bắn, bị giết hay bị bắt cóc mà chính phủ không có hành động nào, thì những tên lính đánh thuê mà các chính trị gia thuê sẽ ra tay", chuyên gia này nói, nhấn mạnh tình trạng hiện nay cần phải được chấm dứt.

Jake Johnston, chuyên gia về Haiti từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho biết ông không quá ngạc nhiên trước vụ ám sát "trơ trẽn" này, vì trước đó từng có nhiều người bị giết, bao gồm một nhà báo và một nhà hoạt động xã hội.

“Tình trạng hiện nay đã nhen nhóm trong một thời gian trước đó. Khi cảnh sát không thể đảm bảo an ninh cho người dân, thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra", Johnston nhận định.

Nhà hoạt động Espérance cho biết vài giờ sau khi tổng thống bị ám sát, bầu không khí sợ hãi và bất an dần bao trùm thủ đô Port-au-Prince. "Người dân đều ở trong nhà", ông cho biết.

Ông lo ngại các nước khác có thể tìm cách áp đặt giải pháp chính trị đối với Haiti. Kể từ lần gần nhất một tổng thống Haiti bị ám sát vào tháng 7/1915, nước này từng nhiều lần chứng kiến sự can dự của các bên thứ ba trong hơn một thế kỷ.

Vụ ám sát tổng thống Haiti khi đó là Jean Vilbrun Guillaume Sam đã dẫn đến cuộc triển khai lực lượng của Mỹ ở nước này, kéo dài cho đến năm 1934.

Ông Fatton cho rằng không thể loại trừ kịch bản có sự can thiệp của bên thứ ba tương tự như vậy nếu tình hình an ninh ngày càng bất ổn sau vụ ám sát Tổng thống Moise.

“Tất cả bây giờ chỉ là suy đoán. Nhưng tôi khá chắc rằng tình hình sẽ sớm xấu đi, vì nhiều người sẽ tranh giành quyền lực", chuyên gia này nhận định.

Tác giả: Hương Ly

Nguồn tin: zingnews.vn

  Từ khóa: tổng thống Haiti , pháp , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP