Tin địa phương

Vốn ưu đãi đồng hành cùng đồng bào A-rem

Nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH luôn phát huy hiệu quả với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo, giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nơi đây có điều kiện và tự tin phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Chị Y The ở bản A-rem rất vui khi nhận 40 triệu đồng vốn ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi

Câu chuyện về những ngày đầu mang dòng vốn ưu đãi đến với đồng bào A-rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch vẫn thường được nhiều người nhắc lại. Ngày đó, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Con đường chuyên chở từ động Phong Nha lên tới bản dài chưa đầy 40km, nhưng chiếc xe u oát cũng phải “bò” mất nửa ngày mới tới nơi. Chưa kể, sự hiểu biết, kinh nghiệm sống cũng như nhận thức của đồng bào cũng là một “khoảng cách” không nhỏ, khiến lưu thông vốn khó khăn nếu thiếu sự hợp tác, gắn kết của chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ nơi đây.

Theo ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, chính quyền địa phương và các tổ chức hội đoàn thể, cùng cán bộ NHCSXH đã thường xuyên theo sát đồng bào để “cầm tay chỉ việc”, nói cho họ hiểu và làm theo, từ đó bà con sẽ tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, so với thời điểm năm 2003, số hộ của bản đã tăng gần gấp đôi với 97 hộ, trong đó 91 hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH cũng đã đến được với 62 hộ gia đình trong bản để phát triển chăn nuôi, 20 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở. Nhiều hộ gia đình từ đó cũng có điều kiện mở rộng sản xuất, trang trải cuộc sống.

Vượt quãng đường quanh co, đèo cao, núi sâu, chúng tôi đến Điểm giao dịch Tân Trạch - xã miền núi xa nhất, khó khăn nhất của huyện Bố Trạch. Tại buổi giao dịch, chúng tôi càng cảm nhận được sự khó khăn vất vả của cán bộ NHCSXH, cũng như cuộc sống của bà con nơi đây, thấy được niềm vui, niềm hy vọng của đồng bào khi đón nhận vốn vay ưu đãi. Gia đình chị Y The ở bản A-rem được vay 40 triệu đồng hộ nghèo, chị rất mừng vì đã có nguồn vốn để trồng rừng và phát triển chăn nuôi bò.

Nguồn vốn cho vay của NHCSXH góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư thông qua các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Gia đình anh Đinh Cất ở bản A-rem, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH để chăn nuôi và trồng rừng hiệu quả. Và đến nay gia đình anh Cất đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản, mua sắm được tivi, xe máy...

Cũng từng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở xã Tân Trạch, ông Đinh Rầu tâm sự: “Lúc mới về định cư ở bản A-rem này mình cũng chỉ biết sống nhờ rừng, đi săn con chim, bẫy con thú mà sống. Được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ cùng với 5 triệu đồng vốn chương trình hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn mình đã biết trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống”. Hiện gia đình ông nuôi 10 con bò, 10 con lợn, ngoài ra ông còn nuôi thêm ngỗng,... nên cái nghèo đang lùi xa dần.

Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch Hoàng Anh Toàn cho biết: Ngay từ những tháng đầu năm chúng tôi đã tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, kịp thời đưa nguồn vốn cho vay ưu đãi của Nhà nước đến với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, NHCSXH cùng phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể xã Tân Trạch khảo sát hộ gia đình có nhu cầu vay vốn, đảm bảo đúng đối tượng, đồng thời tư vấn, hướng dẫn phương án sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn vay hiệu quả…

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: thoibaonganhang.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP