Trong nước

Vợ liệt sỹ bị khai tử 19 năm: Người ký giấy tử cũng ngỡ ngàng

Nguyên Chủ tịch xã cho biết, ông cũng hết sức ngỡ ngàng về sự việc và cũng không hiểu tại sao mình lại ký vào giấy báo thôi cấp chế độ, giấy báo tử bà Phan Thị Ban năm xưa (?!).

Liên quan đến vụ vợ liệt sỹ bị khai tử cách đây 19 năm sau khi con chết, ông Thái Văn Độ, nguyên Chủ tịch UBND xã Liên Thành, hiện làm cán bộ chính sách xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là người ký vào giấy báo tử và giấy thôi cấp chế độ bà Phan Thị Ban (SN 1953), trú tại xóm 3, xã này.

Bà Ban bị khai tử năm 1998.

Trao đổi về vụ việc, sau khi xem lại hồ sơ, ông Độ thừa nhận chính mình đã ký vào giấy khai tử đó, nhưng cho đến thời điểm này, khi biết sự việc thì chính ông cũng rất ngỡ ngàng.

“Sự việc đã nhiều năm nên tôi không thể nhớ hết được, anh em văn phòng trình lên thì tôi ký vì thấy đầy đủ tên của những người liên quan. Nhất là chữ ký của anh Thiện, con trai đầu bà Ban. Cho đến mấy hôm trước, chị Thủy đến đây hỏi việc này thì tôi mới kiểm tra lại các giấy tờ để tìm hiểu nguyên nhân”, ông Độ nói.

Theo ông Độ, sự việc chỉ phát hiện khi chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1967, con gái út của bà Ban) đến phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Yên Thành để làm hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế dành cho thân nhân liệt sỹ.

Tại đây, cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết giấy tờ không hợp lệ, nguyên nhân là vì bà Phan Thị Ban đã mất cách đây 19 năm rồi.

“Sau khi kiểm tra hồ sơ thì tôi thấy bà Ban có một người con gái thứ 2 là Nguyễn Thị T., đã mất từ lâu. Vào thời điểm này, chị T. đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội do tâm thần phân liệt, vì vậy gia đình lên làm giấy tờ để thôi hưởng chế độ. Thế nhưng không hiểu sao trong hồ sơ khai tử lại ghi thành tên bà Ban. Chắc là có sự nhầm lẫn vào thời điểm này”, ông Độ cho hay.

Ngay cả khi trình lên huyện Yên Thành thì cũng không nhận ra sự sai sót này, dẫn đến việc bà Ban vẫn được nhận chế độ hàng tháng, nhưng trong giấy tờ thì đã chết.

Bà Ban hiện nay đã 82 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn.

Ông Độ cũng thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc ký xác nhận báo tử cho một người đang sống. Rất may là tiền trợ cấp cho chị T. đã cắt năm 1998, còn tiền trợ cấp dành cho vợ liệt sỹ của bà Ban vẫn được duy trì. Vì vậy, bà Ban không bị mất chế độ nào.

Còn về sai sót trên, hiện UBND xã Liên Thành đã có tờ trình gửi phòng LĐ-TB&XH, UBND huyện Yên Thành đề nghị đính chính lại hồ sơ khai tử của bà Phan Thị Ban còn sống và chị Nguyễn Thị T. đã chết.

Về việc này, chị Nguyễn Thị Thủy cho rằng, cán bộ chính quyền xã đã giải thích không hợp lý, giả sử trường hợp có sai sót về hồ sơ thật, thì đúng ra bà Ban sẽ bị cắt chế độ chứ không phải chị T.

“Rõ ràng trong việc này có sự khuất tất, ai đó làm giả giấy tờ để khiến gia đình tôi mất danh dự, ảnh hưởng đến chế độ sau này. Vì vậy, tôi mong muốn cơ quan chức năng điều tra, làm rõ”, chị Thủy nói.

Trước đó, như tin tức đã đưa, một sự việc hi hữu đã xảy ra khi tất cả các giấy tờ đều ghi rõ lý do là bà Phan Thị Ban đã chết từ ngày 2/7/1998, nhưng đến thời điểm hiện nay bà vẫn còn sống.

Do chồng bà Ban hi sinh tại chiến trường, nên bà Ban hưởng chế độ thân nhân liệt sỹ với mức trợ cấp tiền tuất 72.000 đồng/tháng và hiện nay đã tăng lên 1.318.000 đồng/tháng.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP