Tin địa phương

Ươm mầm hy vọng cho trẻ em khuyết tật

Nhiều năm qua, cán bộ, giáo viên, kỹ thuật viên Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh vẫn lặng lẽ ươm mầm hy vọng cho hàng trăm trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện, tạo cơ hội cho các em hòa nhập cộng đồng, vượt lên số phận, tin vào ngày mai tươi sáng.

Đã hơn 7 năm nay, chị Nguyễn Thị Thuân, ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) cứ hai ngày trong một tuần đưa con trai của mình là cháu Lê Ngọc Toàn, 11 tuổi, đến Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh để tham gia chương trình luyện tập phục hồi chức năng. Cháu Toàn bị não úng thuỷ từ khi sinh ra. Di chứng của căn bệnh hiểm nghèo làm cháu bị liệt hai chân, không nói được. Được sự chăm sóc chu đáo trong trị liệu của cán bộ Trung tâm, đến nay, cháu Toàn đã có nhiều tiến triển. Chị Thuân rưng rưng: "Tôi đặt hết niềm tin vào sự tận tâm của các cán bộ, nhân viên Trung tâm đối với con mình. Với tình yêu thương của các cô, các chú, gia đình tôi còn có chút hy vọng về đứa con tật nguyền với những khó khăn chồng chất phía trước. Tôi mong Trung tâm nhận được nhiều hơn sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội để ngày một phát triển, có điều kiện tốt hơn để những đứa trẻ kém may mắn nói chung và con tôi nói riêng có cơ hội vươn lên trong cuộc sống".

Kỹ thuật viên của trung tâm phối hợp với người nhà trị liệu cho trẻ khuyết tật.

Ông Lê Quyết Chiến, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh cho biết: "Trung tâm hiện đang chăm sóc và phục hồi chức năng cho 60 trẻ khuyết tật trên địa bàn. Các trẻ ở đây có độ tuổi từ 1 đến 17 tuổi; bị các khuyết tật về hệ vận động, bại não, câm điếc...". Là trung tâm được thành lập ngoài công lập, kinh phí hoạt động đều nhờ từ nguồn xã hội hoá. Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện Quảng Ninh, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tỉnh Quảng Bình, ngành LĐ-TB và XH, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế, đặc biệt là cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện, Trung tâm đã được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục hồi chức năng với đội ngũ làm việc tình nguyện của y, bác sĩ và kỹ thuật viên.

Trẻ khuyết tật khi luyện tập tại Trung tâm được đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên nơi đây áp dụng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp với sự hỗ trợ của máy móc. Chương trình phục hồi chức năng có sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng với sự tham gia là người thân của trẻ. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, ngoài hướng dẫn của các kỹ thuật viên, Trung tâm còn liên kết với Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới mở các lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho các phụ huynh. Từ đó, phụ huynh nâng cao khả năng tự chăm sóc con mình tại nhà riêng. Hàng tháng, Trung tâm còn hỗ trợ từ 8 đến 10 bữa ăn miễn phí cho mỗi trẻ và phụ huynh trong thời gian luyện tập tại Trung tâm. Nhờ sự tận tâm, nỗ lực của cán bộ nhân viên Trung tâm, sự phối hợp tích cực của cộng đồng xã hội, nên trong năm 2017, đã có trên 3.200 lượt cháu đến Trung tâm luyện tập, tỷ lệ phục hồi đạt 15% và 85% cháu được cải thiện về sức khoẻ.

Từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Trung tâm đã giúp cho trên 250 trẻ hoà nhập với cộng đồng thông qua giới thiệu việc làm và hướng nghiệp. Khó khăn, thiếu thốn vẫn còn nhiều, tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết, bằng cả tình thương đối với những trẻ em khuyết tật, cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Quảng Ninh vẫn duy trì hoạt động, tiếp tục đón nhận chăm sóc và phục hồi chức năng cho nhiều trẻ em kém may mắn trên địa bàn, tạo điều kiện để các em hòa nhập cộng đồng, có thể tự lao động, nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng và giúp ích cho gia đình, xã hội.

Tác giả: Hương Trà

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP