Giải trí

Tước bỏ danh hiệu Hoa hậu Đại dương từ góc nhìn quản lý văn hóa

Hành lang pháp lý về quản lý văn hóa đang hiện hành có đủ cơ sở để tước bỏ danh hiệu Hoa hậu Đại dương 2017 của Lê Âu Ngân Anh?

Dù “nhận trách nhiệm và thừa nhận có sai sót” khi để Lê Âu Ngân Anh (sinh năm 1995) tham gia vòng chung kết và đăng quang cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 nhưng đến nay, công ty TNHH Võ Việt Chung International (đơn vị tổ chức) vẫn chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể.

Sau nhiều tuần đăng quang, Hoa hậu Ngân Anh vẫn bị dư luận phản đối và yêu cầu thu hồi danh hiệu. Bộ VH,TT&DL cũng đã nhiều lần ban hành chỉ thị yêu cầu giải quyết dứt điểm nhưng sự việc vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 vẫn lùm xùm sau gần 1 tháng kết thúc.

Câu hỏi đang được dư luận quan tâm nhất vào lúc này chính là, nếu ban Tổ chức cố tình bao che cho Hoa hậu Ngân Anh thì bộ VH, TT&DL sẽ can thiệp ra sao?

Liệu bộ VH,TT&DL có thể đơn phương ra quyết định và cưỡng chế tước bỏ danh hiệu Hoa hậu của Lê Âu Ngân Anh hay không? Thừa nhận sai sót nhưng cố ý không khắc phục hậu quả, liệu đơn vị tổ chức cuộc thi của ông Võ Việt Chung sẽ bị xử lý ở mức độ nào?

Liên quan đến sự việc, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM.

Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, đại học Văn hóa TP.HCM.

ThS Trịnh Đăng Khoa phân tích: “Bản chất của các cuộc thi hoa hậu là để tìm ra người đẹp, tôn vinh cái đẹp, nhân rộng và phổ biến giá trị của cái đẹp đến xã hội. Vốn dĩ bản thân cái đẹp không có tội. Còn khi nhìn vào thực tế lùm xùm như trường hợp Hoa hâu Đại Dương thì vấn đề lại xoay quanh sự chặt chẽ của pháp luật”.

Trả lời về hướng xử lý Hoa hậu Ngân Anh, ông Khoa cho biết: “Về mặt quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng cần căn cứ vào pháp luật hiện hành để xử lý theo đúng thủ tục. Chuyện tước bỏ danh hiệu phải dựa theo quy định".

Chưa có quy định chặt chẽ để tước bỏ danh hiệu của Hoa hậu Ngân Anh.

Đánh giá về vai trò của quản lý văn hóa trong tình hình hiện nay, ông Khoa nói: “Nhiều người cho rằng việc giải quyết các vấn đề văn hóa đang bị xem nhẹ hơn các lĩnh vực khác như kinh tế, an sinh xã hội…".

Ông Khoa cũng phân tích thêm, văn hóa là một quá trình, cần có thời gian để thẩm thấu dần để tạo thành nếp sống, lối sống, tư tưởng tình cảm của con người. Vì thế, quản lý văn hóa cũng cần vận động theo quá trình, không thể nóng vội đưa ra các quan điểm hay quyết định.

“Điều đó dẫn đến tiến trình đổi mới quản lý văn hóa khá chậm chạp so với đổi mới kinh tế, dân sinh. Lĩnh vực này có đặc thù và khó khăn riêng. Bởi lẽ, một phần là vì các vấn đề văn hóa rất khó để thống nhất ý kiến đánh giá. Để đưa ra quyết định, người làm quản lý văn hóa cũng trăn trở rất nhiều và nghĩ đến lâu dài”, ông Khoa kết luận.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP