Thế giới

Trung Quốc tiết lộ công nghệ vô hiệu hóa máy bay tàng hình của Mỹ

Một doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang thử nghiệm hệ thống tia T được thiết kế để xâm nhập các lớp phủ chống radar phát hiện trên các chiến đấu cơ.

Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Trung Quốc đã thử nghiệm một thiết bị mới, nhằm phát hiện máy bay tàng hình. Công nghệ này có thể làm “thay đổi cuộc chơi” quân sự nếu nó được áp dụng đối với một vệ tinh, hoặc một máy bay, các nhà khoa học Trung Quốc nói.

Máy bay tàng hình F-22 của Mỹ.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Hoa đã thử nghiệm thiết bị có khả năng tạo ra bức xạ terahertz (hay tia T) với sức mạnh chưa từng thấy tại một cơ sở nghiên cứu quân sự ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên trong tuần qua.

Bức xạ terahertz có khả năng xuyên qua các vật liệu và hợp chất khác nhau giúp nó chạm tới các lớp kim loại nền, thường được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy chế tạo công nghiệp để phát hiện các sản phẩm lỗi.

Radar được tích hợp công nghệ bức xạ terahertz có khả năng tìm kiếm và phát hiện một loại vũ khí nhất định, giữa nhiều loại vũ khí khác nhau ở khoảng cách hàng trăm mét. Thậm chí, một phiên bản mạnh mẽ hơn của hệ thống radar này đang được phát triển để tích hợp lên máy bay cảnh báo sớm, hoặc vệ tinh để phát hiện và theo dõi các máy bay quân sự khác, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ.

Việc áp dụng công nghệ tia T vào các thiết bị quân sự thường bị hạn chế bởi các máy phát terahertz hiện tại thường cho ra kết quả với hiệu suất khá thấp. Bên cạnh đó, các thiết bị vô tuyến hay quang học thông thường không thể tạo ra được các tia này. Theo tờ Khoa học và Công nghệ, thiết bị mới mà Trung Quốc đang phát triển có thể tạo ra lượng bức xạ ổn định và liên tục hơn, ở mức trung bình lên tới 18 watt và xung terahertz có sức mạnh đạt đỉnh gần 1 megawatt, ngang bằng với một số radar quân sự khác.

“Các lớp phủ tàng hình trên máy bay F-35 sẽ mỏng và trong suốt như chiếc tất. Có vẻ như họ sẽ sớm chụp được những hình ảnh chi tiết và rõ nét của F-35 ở một khoảng cách tương đối xa nhờ công nghệ mới”, Giám đốc phụ trách kỹ thuật của một công ty cung cấp thiết bị áp dụng công nghệ tia T của Trung Quốc nói về sức mạnh của hệ thống radar trên.

Trung Quốc cho hay, một số loại radar quân sự tần số cao hiện nay có thể phát hiện dấu vết của máy bay tàng hình nhưng nhiều người nghi ngờ rằng, sóng ngắn từ những thiết bị này có thể bị hấp thu hoặc bị chệch hướng khi gặp vật liệu tàng hình.

Ông Qi Jiaran, Phó Giám đốc bộ phận kỹ thuật nghiên cứu sóng ngắn tại viện Công nghệ Harbin, dù không trực tiếp tham gia vào dự án phát triển radar tia T, nhưng ông cho biết, Trung Quốc vừa đạt được những bước đột phá mới trong một số công nghệ và thành phần then chốt để phát triển hệ thống này. Song, nó vẫn khá cồng kềnh nên chưa thể tích hợp lên máy bay, hoặc vệ tinh một cách dễ dàng.

“Việc triển khai vào thực tế cần nhiều năng lượng tới mức kilowatt. Hiện tại vẫn còn một chặng đường dài trước khi Trung Quốc có thể theo dõi máy bay chiến đấu tàng hình hoặc máy bay ném bom từ vũ trụ”, ông Qi nói, đồng thời nhấn mạnh nó sẽ khiến “thay đổi cuộc chơi” một khi được hoàn thiện.

Một loại radar do Trung Quốc chế tạo, chuyên phát hiện mục tiêu bay tàng hình.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) tuyên bố đã thử nghiệm thành công radar lượng tử có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở khoảng cách gần 100km. Bắc Kinh cho rằng, khoảng cách trên là của phiên bản cắt giảm tính năng, trong khi mẫu radar lượng tử thật có tầm phát hiện mục tiêu lớn hơn nhiều. Nhưng chính các nhà khoa học Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này của CETC. Họ cho rằng, Bắc Kinh còn phải mất nhiều thời gian nữa mới có khả năng triển khai được một radar lượng tử hoàn chỉnh.

Việc radar của Trung Quốc có chất lượng không như họ tuyên bố không phải là chuyện hiếm. Năm 2010-2011, Ecuador đã nhận 4 đài radar “siêu hiện đại” YLC-2C và YLC-18 từ Trung Quốc, nhưng ngay sau đó họ đã phải “trả về nơi sản xuất” vì sản phẩm không thể hoạt động bình thường.

Khi ấy, Trung Quốc giới thiệu các sản phẩm này “có tính năng hàng đầu thế giới”, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, khiến bộ Quốc phòng Ecuador yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại vì hàng không đảm bảo.

Hợp đồng mua bán radar giữa Ecuador và Trung Quốc khi đó có giá trị rất thấp, chỉ 60 triệu USD.

Tác giả: D.T

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP