Du lịch

Top 19 địa điểm phải ghé thăm ở 19 tỉnh thành miền Trung

Là một trong ba miền địa lý của Việt Nam, Trung Bộ được chia làm 3 khu vực là Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cùng điểm qua những địa danh du lịch nổi bật của 19 tỉnh thành miền Trung.

1. Bãi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa. Nằm ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam và luôn là bãi biển đông khách nhất của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc.

2. Làng Sen - Nghệ An. Nằm ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, làng Sen là quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người đã trải qua những năm tháng niên thiếu đầy kỷ niệm. Đây là một địa điểm về nguồn đầy ý nghĩa ở xứ Nghệ.

3. Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh. Nằm ở địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc gắn với sự hi sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong ngày 24/7/1968, là nơi tôn vinh tinh thần Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang của người phụ nữ Việt trong thời chiến.

4. VQG Phong Nha - Kẻ Bàng - Quảng Bình. Nằm ở địa phận các huyện Bố Trạch và Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình, Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được cả thế giới biết đến nhờ những hang động kỳ vĩ và hệ động thực vật đa dạng, giàu giá trị bảo tồn.

5. Thành cổ Quảng Trị - Quảng Trị. Nằm ở thị xã Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong trận đánh kéo dài từ ngày 28/6–16/9/1972, hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng đã hi sinh ở tòa thành lịch sử này.

6. Hoàng thành Huế - Thừa Thiên Huế. Nằm ở thành phố Huế, Hoàng thành Huế - công trình trung tâm trong Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế - là chứng tích lịch sử quan trọng nhất về nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

7. Danh thắng Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng. Nằm ở quận Ngũ Hành Sơn của TP Đà Nẵng, danh thắng Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước gồm 5 ngọn núi đá kỳ vĩ, có nhiều đền chùa cổ và hang động tự nhiên, được coi là đệ nhất thắng cảnh của thành phố lớn nhất miền Trung.

8. Đô thị cổ Hội An - Quảng Nam. Nằm ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An có sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước nhờ vô số công trình kiến trúc cổ kính và nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

9. Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi. Sở hữu phong cảnh đẹp mê hồn cùng những nét văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển, huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi được coi là một trong những địa danh du lịch biển đảo hấp dẫn nhất Việt Nam.

10. Tháp Bánh Ít - Bình Định. Với 7 tòa tháp cổ của người Chăm tồn tại cho đến ngày nay, tỉnh Bình Định là địa phương sở hữu nhiều tháp Chăm nhất Việt Nam. Tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước là di tích Chăm đồ sộ và tráng lệ nhất ở tỉnh này.

11. Gành Đá Đĩa - Phú Yên. Tọa lạc tại bờ biển huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, Gành Đá Đĩa là một trong những danh thắng thiên nhiên kỳ thú bậc nhất ở Việt Nam. Đây là một gành đá được hợp thành từ vô vàn trụ đá chồng chất tầng tầng trông như chồng bát đĩa

12. Bãi biển Nha Trang - Khánh Hòa. Nằm bên bờ vịnh Nha Trang, Bãi biển Nha Trang đẹp và hút khách bậc nhất Việt Nam. Cuối năm 2022, nơi này đã lọt vào top 10 bãi biển nổi tiếng nhất thế giới tính theo số lượt xem trên mạng xã hội TikTok.

13. Tháp Po Klong Garai - Ninh Thuận. Nằm trên một ngọn đồi cao của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tháp Po Klong Garai được coi là tòa tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam. Công trình này được coi là một báu vật mà vương quốc Champa để lại cho hậu thế.

14. Đồi cát bay - Bình Thuận. Khu vực Mũi Né của tỉnh Bình Thuận nổi tiếng cả nước nhờ sự hiện diện của những cồn cát khổng lồ, trải dài nhiều cây số, mang vẻ đẹp siêu thực. Tên gọi đồi cát bay bắt nguồn từ hiện tượng các cồn cát thay đổi hình dạng liên tục dưới tác động của gió.

15. Nhà thờ Gỗ - Kon Tum. Nằm ở thành phố Kon Tum, Nhà thờ chính tòa Kon Tum có từ năm 1918, thường được gọi là nhà thờ Gỗ. Công trình này được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu chủ yếu là gỗ, là một trong những nhà thờ cổ nổi tiếng nhất Việt Nam.

16. Biển Hồ - Gia Lai. Nằm ở Tây Bắc thành phố Pleiku, hồ T’Nưng còn được gọi là Biển Hồ, là thắng cảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Gia Lai. Hồ nước tự nhiên này chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động, gắn với truyền thuyết được người dân tộc Gia Rai lưu truyền hàng trăm năm qua.

17. Bản Đôn - Đắk Lắk. Nằm ở huyện Buôn Đôn, Bản Đôn nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Tại đây, du khách có thể quan sát những chú voi nhà, thăm nhà sàn của vua voi và khám phá các địa điểm lý thú khác như cầu treo Sàn Si, thác Bảy nhánh, hồ Đắk Mil...

18. Hồ Tà Đùng - Đăk Nông. Hồ Tà Đùng là một hồ nhân tạo nằm trong Vườn quốc gia Tà Đùng, thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Với cảnh quan hấp dẫn, hồ được ví như một "Vịnh Hạ Long thu nhỏ" giữa đại ngàn Tây Nguyên. Ảnh: Tòng Ngô.

19. Hồ Xuân Hương - Lâm Đồng. Nằm ở trung tâm TP Đà Lạt, hồ Xuân Hương là thắng cảnh nổi bật của thành phố thủ phủ tỉnh Lâm Đồng. Hồ có chu vi chừng 5 km, rộng 25 ha, đi qua nhiều địa danh du lịch nổi tiếng Đà Lạt như Vườn hoa thành phố, Đồi Cù, Quảng trường Lâm Viên..

Tác giả: Quốc Lê

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP