Tin địa phương

Top 10 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất tỉnh Quảng Bình

Cục thuế tỉnh Quảng Bình vừa công bố hàng loạt doanh nghiệp chây ì nợ thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp địa ốc, xây dựng nợ thuế khủng.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đang dẫn đầu số nợ thuế tại tỉnh Quảng Bình với hơn 275 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình là hơn 133 tỷ đồng, thứ 3 là Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 1 nợ hơn 76 tỷ đồng. Thứ 4 Công ty TNHH xây dựng Việt Tiến (Quảng Bình) là hơn 64 tỷ đồng. Kế đó là Công ty TNHH Sơn Hải Riverside nợ hơn 53 tỷ, tiếp đến là Công Ty TNHH Một Thành Viên Công Nghiệp Tàu Thuỷ Quảng Bình nợ hơn 37 tỷ đồng.

Lần lượt là Công ty cổ phần Việt Group Central nợ hơn 21 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cosevco 6 nợ hơn 17 tỷ đồng, Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Đại Phúc Quảng Bình nợ 17 tỷ đồng, thứ 10 là Công ty CP Khoáng sản Đá Việt nợ hơn 16 tỷ đồng.

Lý giải về các khoản nợ lớn này, ông Ngô Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2023 nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, thu hồi công nợ, khả năng thanh toán thấp dẫn đến nợ thuế như: Công ty CP sản xuất VLXD Cosevco I, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình, Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình, Công ty CP Khoáng sản Đá Việt.

Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản, khu nghỉ dưỡng chậm triển khai làm phát sinh khoản nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp như: Công ty CP bột đá chất lượng cao Linh Thành, Công ty Cổ phần COSEVCO 6, Công ty CP du lịch Sài Gòn QB: 11,8 tỷ đồng....

Nhưng nợ lớn nhất vẫn thuộc về Các đơn vị phát sinh số nợ lớn về Tiền thuê mặt đất thu một lần cho cả thời gian thuê như: Công ty Cổ phần tập đoàn FLC 275,5 tỷ đồng, Công ty TNHH Sơn Hải Riverside, Công ty CP Việt Group Central, Công ty CP TĐ đầu tư Trường Sơn 14,1 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023 có phát sinh tiền sử dụng đất của Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến đã được nhập vào hệ thống QLT -TMS và theo dõi.

Ngoài ra việc các Ngân hàng thương mại thắt chặt giải ngân vốn đầu tư công khiến các Doanh nghiệp không thể tiếp cận được các khoản vốn vay để thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, tình hình giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào tác động lớn đến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không có lãi, trong năm có 683 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 2.355 hộ nghỉ kinh doanh, khó khăn đó dẫn đến không nộp được và còn nợ đọng thuế, các dự án trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ, tình hình đầu tư công gặp khó khăn... đã tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như Quảng Bình nói riêng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đang dẫn đầu số nợ thuế tại tỉnh Quảng Bình với hơn 275 tỷ đồng.

Cũng theo ông Ngô Văn Thuận, thời gian tới, Cục thuế Quảng Bình sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế mạnh đối với các đơn vị nợ thuế không chấp hành nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước như phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách.

Thực hiện thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất; Phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư thu nợ Báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp không triển khai thực hiện hoặc đang hoạt động có các khoản nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã được cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành, nhất là các đơn vị không triển khai thực hiện dự án theo quy định tại Điều 58 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010.

Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh thành lập và triển khai các Đoàn công tác chống thất thu ngân sách, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh mời một số doanh nghiệp nợ thuế lớn đến làm việc để tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế. Rà soát tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất đối với các đơn vị không triển khai dự án đầu tư, không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành nợ tiền thuê đất kéo dài theo quy định.

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII vừa qua, ngân sách năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 6 khoản không hoàn thành dự toán năm và hụt thu 1.300 - 1.400 tỷ đồng. Theo đó, nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện được 100 tỷ đồng, đạt 27% dự toán và bằng 71,1% so cùng kỳ hụt 250 tỷ đồng.

Về khoản thuế thu nhập cá nhân ước thực hiện được 222 tỷ đồng, đạt 58,4% so dự toán và bằng 72,4% so với cùng kỳ, hụt 158 tỷ đồng. Nguyên nhân thu đạt thấp được lý giải là do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu mua sắm, chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh.

Về khoản thu thuế bảo vệ môi trường ước thực hiện được 390 tỷ đồng, bằng 83,9% so dự toán giao và bằng 130% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do việc thực hiện các nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 về việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đã làm giảm nguồn thu thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Về thu lệ phí trước bạ ước thực hiện được 230 tỷ đồng, đạt 59% dự toán và bằng 64,2% so với cùng kỳ, hụt 160 tỷ đồng.

Tiền thu thuế đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước thực hiện được 260 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán trung ương giao, đạt 76% dự toán tỉnh giao, bằng 56,7% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng. Nguyên nhân được lãnh đạo ngành Thuế Quảng Bình lý giải là do thực hiện giảm tiền thuê đất cho năm 2022 và năm 2023 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/2023/QĐ-TTg và số 25/2023/QĐ-TTg.

Về thu tiền sử dụng đất ước thực hiện được 2.100 tỷ đồng, đạt 70% dự toán tỉnh giao và chỉ bằng 41,7% so với năm 2022, hụt 900 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản trầm lắng, việc tổ chức đấu giá các dự án gặp nhiều khó khăn và không thành công.

Qua báo cáo, tổng hụt thu trong cân đối của 5 khoản thu chủ yếu là 718 tỷ đồng, trong khi đó tăng thu chỉ hơn 220 tỷ đồng, toàn tỉnh hụt gần 500 tỷ đồng và tiền sử dụng đất hụt 800 - 900 tỷ đồng.

Tác giả: Xuân Hương

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP