Lệnh ngừng bắn chớp nhoáng và hy vọng của ông Trump
Một ngày trước Lễ Phục sinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời. Tuy nhiên, sau đó, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau vi phạm. Theo quân đội Nga, lực lượng Kiev đã thực hiện 1.300 cuộc tấn công chỉ trong chưa đầy 24 giờ kể từ khi lệnh ngừng bắn được công bố. Về phía mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đưa ra cáo buộc tương tự, cho biết các lực lượng Nga đã pháo kích vào vị trí của Ukraine hơn 900 lần và tiến hành khoảng 46 “cuộc tấn công” trong thời gian đó.
Lệnh ngừng bắn trên diễn ra sau một cam kết ngừng bắn khác kéo dài 30 ngày nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng, vốn đã bị vi phạm ít nhất 30 lần, truyền thông Ukraine cho hay.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Đối với Điện Kremlin, lệnh ngừng bắn từ phía Nga được coi là một cử chỉ thiện chí, nhằm phơi bày sự “thiếu thiện chí” từ phía lãnh đạo Ukraine và các nước châu Âu hậu thuẫn họ, những người mà Moscow cho là đang cản trở một thỏa thuận hòa bình do Tổng thống Trump làm trung gian.
Nhà Trắng trong quá khứ từng nhiều lần lặp lại các luận điểm của Điện Kremlin và có thể Moscow tin rằng điều đó sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại tại Moscow rằng nếu ông Trump, vốn khó đoán, thực sự rút khỏi nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Ukraine như ông từng đe dọa nếu không thấy có tiến triển thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Nỗi lo lớn nhất của Tổng thống Putin là ông Trump có thể quay sang đổ lỗi cho Nga, tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Moscow - điều có thể chấm dứt hoàn toàn viễn cảnh cải thiện quan hệ Mỹ - Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/4 cho biết Washington “vẫn cam kết đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ”, sau khi Ukraine cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn trong kỳ lễ Phục sinh.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuần trước cũng cảnh báo rằng Washington có thể từ bỏ vai trò trung gian nếu không thấy bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào “trong vòng vài ngày tới”.
Trước khi lệnh ngừng bắn chính thức kết thúc vào tối 20/4, với lời giải thích từ Điện Kremlin rằng Tổng thống Putin không ra lệnh gia hạn, có dấu hiệu cho thấy ông Trump vẫn quan tâm đến tiến trình này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Vào Chủ nhật Phục sinh (20/4), ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng: "Hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được một thỏa thuận trong tuần này".
Những lời lẽ có phần lạc quan đó cho thấy ông Trump, ít nhất là lúc này, vẫn tin vào khả năng đạt được thỏa thuận, bất chấp hy vọng mong manh về một đột phá trong cuối tuần vừa qua đã tan biến.
Kiev và các đồng minh châu Âu đang nỗ lực thuyết phục Washington có lập trường cứng rắn hơn với Moscow, đặc biệt sau cuộc tấn công lớn của Nga hôm 13/4 nhằm vào thành phố Sumy của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận việc tấn công vào dân thường, cho rằng đây là một cuộc không kích có chủ đích nhằm vào sở chỉ huy của nhóm tác chiến – chiến thuật Siversk của Ukraine. Tổng thống Trump đã gọi cuộc tấn công vào Sumy là một "sai lầm" nhưng khi được hỏi cụ thể ông dựa vào thông tin nào để nói vậy, ông chỉ trả lời: "Hãy hỏi phía Nga".
Nga trên cơ đàm phán, ông Trump dần vỡ mộng?
Sau 3 tháng nhậm chức, ông Trump dường như đang dần vỡ mộng trong nỗ lực giải quyết nhanh chóng vấn đề Ukraine. Ông chưa thể chấm dứt xung đột trong 24 giờ và cũng khó hoàn thành việc này trong 100 ngày như cam kết.
Hiện nay, vai trò trung gian của Washington đang đình trệ và chiến lược của Mỹ trở nên mơ hồ. Thậm chí một số nhà quan sát cho rằng, một tổng thống từng tự hào về khả năng thương lượng và sự cứng rắn giờ đây đang trở nên thiếu quyết đoán và không hiệu quả. Họ nhận định, nếu tình hình tiếp diễn, ông Trump có nguy cơ thất bại kép: một lần với tư cách là nhà đàm phán và thêm một lần với tư cách là đồng minh của Ukraine.
Cho tới nay, lập trường của Tổng thống Putin vẫn không thay đổi. Ông yêu cầu công nhận quyền kiểm soát của Nga với Crimea và 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập; yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO và giới hạn quy mô của quân đội Ukraine. Ông cũng công khai kêu gọi thay đổi giới lãnh đạo ở Ukraine và phủ nhận tính hợp pháp của Tổng thống Zelensky.
Giới phân tích đánh giá, Tổng thống Putin tin rằng mình đang trên cơ và từ chối thỏa hiệp. Trong khi đó, ông Trump không có đòn bẩy đủ mạnh để khiến Nga thay đổi lập trường và do đó chiến lược của ông là gây sức ép để Ukraine nhượng bộ. Chính sách về viện trợ quân sự của nhà lãnh đạo Mỹ đang khiến tình hình của Ukraine trở nên nghiêm trọng.
Ban đầu ông Trump tạm dừng việc chuyển giao vũ khí, đạn dược và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine nhưng sau đó đã phần nào đảo ngược quyết định này. Ông cho phép tiếp tục gói viện trợ đã được phê duyệt dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, song từ chối xem xét một gói viện trợ mới khi gói hiện tại kết thúc.
Chính quyền Tổng thống Trump hiện vẫn còn vài tỷ USD có thể sử dụng theo cơ chế rút kho quân sự có sẵn để hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Trump chưa phát đi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy ông sẵn sàng phê duyệt khoản viện trợ này.
Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine sắp đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn đạn dược thiết yếu. Nga nhận thức rõ điều này và đang sử dụng các cuộc đàm phán với Mỹ để kéo dài thời gian. Trong khi chờ đợi quân đội Ukraine rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, Moscow đã bắt đầu một đợt huy động quân đội quy mô lớn với khoảng 160.000 tân binh. Các chỉ huy Ukraine cảnh báo các cuộc tấn công lớn có thể được phát động trong vài tuần tới trên nhiều mặt trận.
Giới quan sát cho rằng Nga đang lợi dụng tuyên bố của chính quyền ông Trump về mong muốn "kiến tạo hòa bình" để phục vụ chiến lược của mình. Theo đó, Moscow tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán ngừng bắn cho đến khi viện trợ quân sự của Mỹ cạn kiệt trong khi quân đội Nga giành thêm lãnh thổ buộc Kiev phải đầu hàng.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump gây thêm áp lực buộc Kiev cân nhắc một “thỏa thuận hòa bình” bất lợi, trong đó Ukraine phải nhượng bộ hoàn toàn theo các yêu cầu Nga thì không nhà lãnh đạo Ukraine nào có thể ký vào văn kiện đó mà không đánh đổi toàn bộ sự nghiệp chính trị.
Châu Âu dù vẫn còn do dự và chia rẽ nội bộ, giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một đồng minh thực sự của Kiev. Châu Âu đang tìm cách tái vũ trang và để làm được điều đó, họ cần thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới, bất kể có sự tham gia của Mỹ hay không.
Tác giả: Kiều Anh
Nguồn tin: Báo VOV