Trong nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất quan tâm chỉ đạo ứng phó bão số 3

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó bão số 3, đặc biệt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất quan tâm chỉ đạo; Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành liên tiếp 3 Công điện

Chiều 7-9 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2024.

Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận thông tin về tình hình cơn bão số 3 - Ảnh: VGP

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cung cấp thông tin mới nhất về tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó, giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại.

Bão số 3 đạt cường độ cấp 16 trên Biển Đông; hồi 13 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.

Gió thực đo lúc 13 giờ ngày 7-9: Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) cấp 7, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10.

Về lượng mưa, từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 7-9, đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127 mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123 mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198 mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208 mm.

Dự báo, đến 1 giờ ngày 8-9, bão còn mạnh cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ.

Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ.

"Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão" - ông Phạm Đức Luận cho biết.

Về thiệt hại, theo ông Luận, hiện nay chưa thể thống kê được đầy đủ thiệt hại, vì như ở Quảng Ninh hiện tại không ai ra đường.

"Trao đổi qua điện thoại, hiện nay ở Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng mai, mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này" - ông Luận cho biết.

Sáng mai 7-9, bão số 3 di chuyển, đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội tiếp tục bị mưa lớn ảnh hưởng.

Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19 giờ ngày 7-9 đến 1 giờ ngày 8-9

Thông tin thêm về tình hình mưa bão, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời gian gió mạnh tại một số địa phương như sau: Hải Phòng - Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19 giờ ngày 7-9, sau giảm nhanh; Thái Bình - Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22 giờ; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19 giờ ngày 7-9 đến 1 giờ ngày 8-9.

Vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… mưa còn kéo dài hết đêm ngày 7-9 và khoảng đến tầm 4 giờ sáng ngày 8-9. Sau đó, mưa và gió sẽ giảm nên sáng ngày 8-9 là an toàn. Đối với khu vực sâu hơn một chút như Hà Nội, mưa có thể kéo dài đến 8-9 giờ sáng ngày 8-9.

Đối với khu vực Trung du miền núi như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình mưa sẽ muộn hơn. Từ 19 giờ ngày 7-9 mưa sẽ tăng. Cả ngày 8-9 mưa sẽ nặng hơn. Ngày 8-9, mưa chỉ tập trung ở Trung du, miền núi nên nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao. Miền núi và Trung du mưa lớn, thời gian mưa còn kéo dài đến ngày 9-9 đến 10-9 mới kết thúc.

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP