Xã hội

Tội phạm tham nhũng phải bồi thường xong thiệt hại mới được xét đặc xá

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến người dân, người bị kết án tù về tội tham nhũng phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp đủ án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác mới được đề nghị đặc xá.

Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi nêu rõ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc trong trường hợp xét thấy cần thiết, Chính phủ chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, lập Tờ trình để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá. Tờ trình của Chính phủ phải được trình lên Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước khi diễn ra sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước.

Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phạm tội lần đầu;

b) Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo tốt;

c) Đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là 1/2 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với án phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;

d) Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác;

đ) Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 11 dự thảo luật cũng đề xuất quy định các trường hợp không đề nghị đặc xá gồm: Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định…

Người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải có đủ các điều kiện sau: a) Phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, trừ những người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia; b) Chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời gian được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; c) Đã thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác; d) Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, dự thảo luật đề xuât quy định người được tha tù trước thời hạn phải có đủ 2 điều kiện: Chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời gian thử thách và đã thực hiện ít nhất 1/3 thời gian thử thách.

Theo dự thảo luật, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, lập danh sách, hồ sơ phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi đến Cục trưởng Cục An ninh Điều tra hoặc Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an xét duyệt trình Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá.

Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm xem xét, lập danh sách, hồ sơ phạm nhân có đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi Giám đốc Công an cấp tỉnh xét duyệt, trình Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cùng cấp xét duyệt, lập danh sách, hồ sơ người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đủ điều kiện đề nghị đặc xá trình Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng tư vấn đặc xá…

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP