Thế giới

Tòa án Suriname giữ nguyên bản án 20 năm tù cho cựu Tổng thống

Ngày 20/12, Tòa án cao nhất của Suriname đã giữ nguyên bản án 20 năm tù đối với cựu Tổng thống Desi Bouterse, người đã bị kết tội trong vụ giết hại các đối thủ chính trị năm 1982.

Phán quyết đặt dấu chấm hết cho câu chuyện pháp lý xung quanh người từng là ‘người hùng’ của quốc gia Nam Mỹ nhỏ bé nói tiếng Hà Lan này, nhưng một số người lo ngại rằng, quyết định này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn.

Cựu Tổng thống Suriname Desi Bouterse phát biểu tại một cuộc biểu tình ở Paramaribo vào ngày 16/12/2023. (Ảnh: AFP)

Cựu Tổng thống Bouterse không có mặt trong phiên điều trần ở thủ đô Paramaribo, diễn ra trong sự kiểm soát an ninh chặt chẽ bên ngoài Tòa án.

Năm 2019, ông Bouterse bị kết án về vụ hành quyết 15 người - bao gồm luật sư, nhà báo, doanh nhân và quân nhân vào tháng 12/1982, hai năm sau khi ông lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.

Ông Bouterse, 78 tuổi đã kháng cáo bản án và vẫn được tự do chờ kết quả vụ án.

Luật sư và công tố viên nhân quyền Reed Brody thuộc Ủy ban Luật gia Quốc tế, một tổ chức nhân quyền đang theo dõi vụ án của Bouterse, cho biết: “Phải mất 41 năm, nhưng cánh tay dài của luật pháp cuối cùng cũng đã bắt kịp Desi Bouterse”.

“Quyết định hôm nay là một chiến thắng cho gia đình các nạn nhân của Bouterse, những người không bao giờ bỏ cuộc và cho tất cả những người trên thế giới đang tìm cách đưa những kẻ lạm dụng quyền lực ra trước công lý”, ông Brody nói trong phòng xử án, đồng thời ca ngợi các Thẩm phán vì “sự dũng cảm và độc lập của họ”.

Theo luật Suriname, ông Bouterse hiện có 8 ngày để viết thư cho Tổng thống nước này để xin khoan hồng.

Phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang tăng cao ở quốc gia nhỏ bé - nằm giữa Guyana và Guyana thuộc Pháp - nơi đã chứng kiến ​​các cuộc biểu tình phản đối lạm phát tăng vọt và các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Bộ trưởng Tư pháp Suriname Kenneth Amoski cho biết trong một tuyên bố: “Cảnh sát đang trong tình trạng báo động với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh khác”.

Vào tháng 7, Bouterse - người vẫn rất nổi tiếng, đặc biệt là với tầng lớp lao động và người nghèo của đất nước cho biết, sẽ tôn trọng phán quyết. “Dù thế nào đi nữa, tôi đã sẵn sàng”, Bouterse cho biết và nói thêm rằng, ông “tin chắc rằng, một Tòa án khác, lịch sử sẽ tha bổng cho ông”.

Trước thềm phán quyết, cảnh sát tuyên bố cấm đường để những người ủng hộ Bouterse không đến gần Tòa án.

Cựu Tổng thống Bouterse đã phủ nhận sự liên quan đến vụ giết người năm 1982 và nói rằng, các nạn nhân đã bị bắt vì âm mưu đảo chính với sự giúp đỡ của CIA và đã bị bắn khi cố gắng trốn thoát.

Bouterse đã tổ chức một cuộc đảo chính vào ngày 25/2/1980. Được biết đến với tài hùng biện, ban đầu ông đóng vai trò là người phát ngôn, nhưng nhanh chóng nắm quyền quản lý chế độ quân sự, tự tuyên bố trở thành tổng tư lệnh và người cai trị.

Ông từ chức vào năm 1987 nhưng trở lại nắm quyền vào năm 1990, thông qua một cuộc đảo chính không đổ máu bằng cách gọi một cuộc điện thoại đơn giản cho Tổng thống lúc bấy giờ.

Năm 1999, một Tòa án ở Hà Lan, cựu thuộc địa cai trị của Suriname, đã kết án Bouterse 11 năm tù vắng mặt vì tội buôn lậu cocaine, một cáo buộc khác mà ông phủ nhận.

Sau đó, ông được bầu và giữ chức Tổng thống Suriname từ năm 2010 đến năm 2020 - điều này đã bảo vệ ông khỏi bị dẫn độ.

Tác giả: Trâm Anh

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP