![]() |
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg. |
Sau 90 ngày hòa hoãn, thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc có thể sẽ duy trì ở mức gây ra hạn chế lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ - nhiều nhà phân tích và đầu tư nhận định. Đánh giá này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng phải tiếp tục đương đầu với thử thách cho dù đàm phán thương mại với Washington đang được triển khai tích cực.
Theo kết quả một cuộc khảo sát mà hãng tin Bloomberg tiến hanh với sự tham gia của 22 công ty quản lý quỹ, ngân hàng và công ty nghiên cứu từ châu Á, châu Âu và Mỹ, thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc năm nay có thể sẽ giữ ở mức 30% cho tới cuối năm. Dù đã giảm nhiều từ con số 145% trước khi hai bên đạt được thỏa thuận hòa hoãn, mức thuế này đủ để “xóa sổ” 70% xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ trong trung hạn - Bloomberg Economics dự báo.
Kết quả của cuộc khảo sát trên - được thực hiện vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần vừa rồi - cho thấy kỳ vọng thấp về việc liệu đàm phán thương mại có thể nhanh chóng dỡ bỏ được thuế quan mà Tổng thống Donald Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai này.
“Chúng tôi kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ khép lại bằng một thỏa thuận hời hợt. Không có đủ thời gian để mối quan hệ giữa hai nước có được những thay đổi đủ sâu sắc” trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào năm 2026, sự kiện có thể giữ vai trò thời hạn cuối cùng cho một thỏa thuận cuối cùng - nhà kinh tế Kelly Chen của ngân hàng DNB Bank nhận xét.
Nhìn về tương lai dài hơn, có sự khác biệt lớn về kỳ vọng của các nhà phân tích và đầu tư tham gia cuộc khảo sát về khả năng của Washington và Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột thương mại. Có 7 người trả lời trong cuộc khảo sát dự báo thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ giảm dưới 30% sau 6 tháng, trong khi 6 người trả lời dự báo thuế quan sẽ cao hơn mức này.
Nếu Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại cuối cùng, thuế quan có thể giảm về mức 20% - theo dự báo trung vị được đưa ra trong cuộc khảo sát.
90 ngày “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu vào hôm thứ Tư (14/5) vừa rồi. Trong khoảng thời gian hòa hoãn, Mỹ áp thuế 30% lên hàng Trung Quốc - gồm thuế đối ứng 10% và thuế liên quan đến vấn đề fentanyl 20%. Về phần mình, Trung Quốc đánh thuế đối ứng 10% đối với hàng Mỹ.
Phần lớn những người trả lời trong cuộc khảo sát của Bloomberg cũng dự báo thuế quan mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông sẽ duy trì, và việc giảm thuế quan đó sẽ là một sự nhượng bộ lớn có thể khiến lực lượng cử tri ủng hộ ông không hài lòng. Theo ước tính của Bloomberg Economics, mức bình quân của thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ trước là khoảng 12%.
Chính sách thuế quan của ông Trump là một trong những biến số lớn nhất tác động tới nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu trong năm nay. Theo kết quả khảo sát, giá các tài sản Trung Quốc có khả năng sẽ dao động trong một phạm vi hẹp gần các mức hiện tại cho tới cuối năm, do sự bất định liên quan tới thuế quan và các chính sách kích cầu.
Cũng theo dự báo trung vị mà khảo sát này đưa ra, tỷ giá nhân dân tệ sẽ duy trì gần mức 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD cho tới cuối năm nay. Hiện tại, những đồn đoán cho rằng Trung Quốc sẽ phá giá nhân dân tệ đã lắng xuống, và Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ ngăn sự ra, vào quá mức của các dòng vốn, nên tỷ giá đồng tiền này có thể sẽ ổn định hơn.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục có thể tăng chậm, có khả năng đạt mức 4.000 điểm vào cuối năm, tăng khoảng 2% so với ngưỡng 3.900 điểm hiện nay. Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm có thể sẽ không tăng giá thêm nhiều từ mức hiện nay, với dự báo trung vị của cuộc khảo sát đưa ra cho lợi suất của kỳ hạn này vào cuối năm nay là 1,7%, hầu như không thay đổi so với mức lợi suất của thời điểm hiện tại.
Một số người trả lời trong cuộc khảo sát lúc đầu đã ngần ngại đưa ra dự báo, nhấn mạnh rằng các động thái thuế quan của ông Trump là rất khó lường.
“Nhiệm kỳ trước của ông Trump nên được xem là một lời cảnh báo rằng chúng ta chưa thoát ra khỏi cuộc chiến thương mại này, và không có gì đảm bảo các thỏa thuận sẽ duy trì. Rủi ro do sự bất định liên quan tới chính sách thương mại của Mỹ vẫn còn cao”, nhà kinh tế Sam Jochim của công ty quản lý tài sản EFG Asset Management nhận định.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: vneconomy.vn