Trong nước

Thủ tướng yêu cầu sớm hỗ trợ hàng nghìn hộ dân mất nhà do thiên tai

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 trận lũ làm 49 người chết, gần 5.600 hộ dân không có nhà ở hoặc ở trong nhà tạm.

Sáng 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành và địa phương về hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất.

Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp, hiện có gần 5.600 hộ dân không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm. Hơn 42.100 hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất cần phải di dời để bảo đảm an toàn.

Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, Bộ Nông nghiệp cũng kiến nghị hỗ trợ lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao.

Huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) chìm trong đợt mưa lũ giữa tháng 8. Ảnh: Duy Khánh

Đại diện các địa phương phản ánh, mấy năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, mức độ ngày càng tăng. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, trước đây lũ quét thường chỉ sạt lở phần phủ bì thì nay sạt cả nửa quả núi. Vừa qua, tỉnh phải di dời 3 bản trong một đêm bởi nếu không, khoảng 2.000 người sẽ thiệt mạng do núi sập.

Theo lãnh đạo địa phương, việc hỗ trợ cần bảo đảm công bằng, đúng đối tượng theo các mức thiệt hại (bị mất hoàn toàn hay mất một phần) và đặc biệt, cần hỗ trợ xây dựng hạ tầng, bởi không có đường đi thì cũng không thể vận chuyển vật liệu lên làm nhà.

Bên cạnh đó, chính quyền cần có cơ chế giám sát để tránh tình trạng người dân lấy tiền làm nhà để mua xe máy.

Một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất chi tiết hơn để biết chỗ nào có thể an cư được, bởi đã có một số trường hợp, người dân phải di dời nhiều lần vì nơi ở mới cũng không an toàn.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ trước mắt cần tập trung lo cho gần 5.600 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, để khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Qhang Hiếu

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giải quyết theo hướng bố trí ở xen ghép vào các khu dân cư; hỗ trợ phải bảo đảm yêu cầu chính xác, đúng đối tượng, kịp thời, huy động các nguồn lực khác bên cạnh nguồn lực Nhà nước và cần tính tới lâu dài.

Cùng với việc đảm bảo về nhà ở, ông đề nghị các tỉnh cần lo cho người dân sống trong nhà ấy bằng cách nào, đất sản xuất, hạ tầng giao thông ra sao để ổn định cuộc sống. “Việc này giao Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, phải làm gấp, làm chính xác và chịu trách nhiệm trước Chính phủ”, Thủ tướng nêu rõ.

Về mức hỗ trợ, ông giao Bộ Nông nghiệp đề xuất mức phù hợp giữa hỗ trợ nhà ở và hạ tầng, trên tinh thần công bằng, minh bạch, sớm trình Thủ tướng quyết định.

Bộ Nông nghiệp cũng được giao khẩn trương trình Chính phủ dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, có phân kỳ đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương lập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất...

Đang vào thời điểm mưa lũ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, có phương án, nêu cao trách nhiệm trong phòng chống thiên tai, “lo hồ đập, công trình thủy điện, thủy lợi ra sao, đê kè phương án nào, tình huống cơn bão lớn thì di dời dân làm sao"...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt trận lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23-26/6 xảy ra trên diện rộng (một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Tuyên Quang...) làm 33 người chết, mất tích; ước tính thiệt hại khoảng 762 tỷ đồng.

Tác giả: Xuân Hoa

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP