Kinh tế

Thủ tướng từng phải xin lỗi nhân dân vì 'bệnh' của ngành thuế

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhớ lại lời xin lỗi của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những bất cập của ngành thuế trong cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp 4 năm về trước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại lễ công bố sáng 24.4 ẢNH LÊ HIỆP

Phát biểu tại buổi công bố kết quả giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế hải quan do Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng nay, 24.4, ông Vũ Tiến Lộc cho biết đó là lần đầu tiên Thủ tướng xin lỗi nhân dân vì bệnh của ngành thuế.

“Tôi nhớ lại cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp lúc đó (4 năm trước), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói một câu rất day dứt: Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân vì việc đó", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, vào thời điểm đó, thủ tục ngành thuế của Việt Nam đội sổ khu vực ASEAN. “Khi đó thời gian nộp thuế, bao gồm cả bảo hiểm xã hội trung bình của ASEAN, là 171 giờ/năm thì Việt Nam là 872 giờ/năm, tức là gấp 4-5 lần. Còn chỉ tính riêng thuế thì thời gian nộp thuế của Việt Nam là 537 giờ/năm, trong khi mức trung bình của ASEAN-6 (6 nước phát triển nhất khối ASEAN) là 121 giờ/năm, tức Việt Nam cao gấp 4 lần”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, sự kêu ca của người dân và việc Việt Nam xếp hạng "đội sổ" trong ASEAN là động lực thúc đẩy cho sự cải cách trong lĩnh vực này và Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014 cũng nêu ra yêu cầu đạt đến ASEAN-6, ASEAN-4 trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Ông Lộc cho biết, ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 19 và Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã mời Thủ tướng dự hội nghị, chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan trong bối cảnh lĩnh vực này "đội sổ" về thủ tục hành chính của Việt Nam.

Sau khi Thủ tướng có kết luận chỉ đạo, Bộ Tài chính đã ngồi với doanh nghiệp để lắng nghe góp ý, cùng rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý để kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, chứ không phải các vụ, cục đóng cửa làm một mình. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc giám sát việc thực hiện để đảm bảo khách quan.

“Câu chuyện 4 năm qua của ngành thuế và hải quan chính là câu chuyện cải cách ở Việt Nam”, Chủ tịch VCCI đúc kết, và cho biết, tới nay, thuế và hải quan là 2 ngành có đóng góp nhiều nhất vào tăng thứ hạng của chỉ số cạnh tranh của Việt Nam, từ vị trí đội sổ lĩnh vực thuế và hải quan của Việt Nam, hiện đã xếp trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, việc cải cách thủ tục thuế và hải quan của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cải cách. Mặc dù chỉ số thuế và hải quan xếp thứ 4 ASEAN nhưng vẫn đứng 86 và 94 trong tổng số 190 nền kinh tế.

Mặt khác, theo khảo sát của VCCI, trong lĩnh vực thuế, 75% doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính, còn hải quan chỉ 68% doanh nghiệp hài lòng. “Như vậy, còn trên dưới 30% doanh nghiệp, người dân còn chưa hài lòng về thủ tục thuế và hải quan. Đây là dư địa của cải cách”, ông Lộc nói.

Tác giả: Lê Hiệp

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP