Thế giới

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn bị đình chỉ, ông Thaksin đối mặt án tù vì tội khi quân

Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ Thủ tướng Paetongtarn giữa khủng hoảng chính trị, trong khi cha bà – ông Thaksin – ra tòa vì cáo buộc xúc phạm hoàng gia.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đi qua Tòa nhà Chính phủ sau cuộc họp nội các tại Bangkok vào ngày 1/7. Ảnh: AFP.

Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 1/7 đã ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ đối với Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong lúc chờ xử lý vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà, làm gia tăng áp lực đối với một chính phủ đang đối mặt với khủng hoảng từ nhiều phía.

Tòa án cho biết họ đã chấp nhận đơn kiến nghị từ 36 thượng nghị sĩ, cáo buộc bà Paetongtarn thiếu trung thực và vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, đi ngược lại hiến pháp, liên quan đến việc rò rỉ một cuộc điện thoại nhạy cảm về mặt chính trị với cựu lãnh đạo Campuchia, ông Hun Sen.

Trong thời gian chờ phán quyết, phó thủ tướng sẽ giữ vai trò quyền lãnh đạo chính phủ, trong khi bà Paetongtarn vẫn là thành viên nội các với cương vị mới – Bộ trưởng Văn hóa sau đợt cải tổ nội các gần đây. Chính phủ chưa đưa ra bình luận về quyết định đình chỉ này.

Cuộc gọi bị rò rỉ với vị chính khách kỳ cựu Campuchia đã gây phẫn nộ trong nước và khiến liên minh của bà Paetongtarn rơi vào thế mong manh. Một đảng quan trọng đã rút khỏi liên minh, và dự kiến sẽ sớm kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, trong bối cảnh các nhóm biểu tình yêu cầu bà từ chức.

Trong cuộc gọi ngày 15/6 nhằm hạ nhiệt căng thẳng biên giới với Campuchia, bà Paetongtarn, 38 tuổi, đã thể hiện thái độ nhún nhường với ông Hun Sen và chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái Lan, điều được xem là “lằn ranh đỏ” trong bối cảnh quân đội có ảnh hưởng rất lớn tại Thái Lan. Bà sau đó đã xin lỗi và khẳng định lời nói của mình chỉ là chiến thuật đàm phán.

Khủng hoảng gia tộc Shinawatra

Cuộc khủng hoảng của bà Paetongtarn chỉ sau 10 tháng nắm quyền cho thấy sự suy yếu của đảng Pheu Thai, “cỗ máy chính trị” theo đường lối dân túy của gia tộc Shinawatra – từng thống trị bầu cử Thái Lan kể từ năm 2001, nhưng liên tục bị lật đổ bởi đảo chính quân sự và các phán quyết từ tòa án.

Với tư cách nữ Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan, bà Paetongtarn là người thay thế ông Srettha Thavisin – vị Thủ tướng bị bãi nhiệm do bổ nhiệm một Bộ trưởng từng bị tù. Nhưng chính phủ của bà đang gặp khó trong việc hồi sinh nền kinh tế đang trì trệ, trong khi uy tín cá nhân sụt giảm nghiêm trọng: theo một khảo sát từ ngày 19–25/6, tỷ lệ ủng hộ bà giảm còn 9,2%, từ mức 30,9% hồi tháng 3.

Không chỉ một mình bà Paetongtarn đối mặt rắc rối. Cha của bà, ông Thaksin Shinawatra, người có ảnh hưởng lớn phía sau chính phủ, cũng đang gặp khó khăn pháp lý với hai vụ kiện khác nhau trong tháng này.

Theo luật sư của ông, cựu Thủ tướng Thaksin đã xuất hiện tại Tòa án Hình sự Bangkok hôm thứ Ba để đối mặt với cáo buộc xúc phạm hoàng gia, một tội danh nghiêm trọng tại Thái Lan có thể bị phạt tù lên đến 15 năm nếu bị kết tội.

Ông Thaksin phủ nhận mọi cáo buộc và nhiều lần tuyên bố trung thành với hoàng gia. Vụ án bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn năm 2015 khi ông đang sống lưu vong – trước khi quay về Thái Lan vào năm 2023 sau 15 năm sống ở nước ngoài để thi hành án tù vì xung đột lợi ích và lạm quyền.

Sau khi trở về, Thaksin, 75 tuổi, không phải vào tù mà ở trong bệnh viện suốt 6 tháng vì lý do sức khỏe, sau đó được ân xá và phóng thích vào tháng 2 năm ngoái. Tòa án Tối cao Thái Lan sẽ xem xét lại thời gian ông nằm viện trong tháng này, và khả năng bị đưa trở lại nhà giam vẫn còn bỏ ngỏ.

Tác giả: Huyền Chi

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP