Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 vấn đề bức xúc trọng tâm cần giải quyết

Sáng 2/7, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các cơ quan Đảng, các bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành trên cả nước nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018 và bàn về giải pháp chủ yếu để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao kết quả đạt được trong điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 khi có nhiều chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, Hội nghị không chỉ đánh giá tình hình trong nước mà cần đánh giá sát diễn biến trong nước và quốc tế; chỉ ra những yếu kém, tồn tại, những cơ đặt ra đối với sự điều hành quản lý kinh tế xã hội của đất nước; qua đó đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục trong những tháng cuối năm.

“Các bộ, ngành, địa phương không nên nêu nhiều thành tích, mà cái chính là phải đưa ra giải pháp xác đáng với từng địa phương và vùng miền”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hơn nữa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tập hợp được 18 vấn đề trọng tâm cần thảo luận về: kinh tế vĩ mô, công nghiệp hỗ trợ, đô thị, kinh tế tư nhân, môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cùng nhiều vấn đề xã hội khác… Do đó, Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương nêu rõ những khó khăn, trở ngại, lãnh đạo các bộ, ngành nêu rõ những chủ trương, định hướng và tạo ra sự đồng bộ giữa các cơ quan.

Đánh giá cụ thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điểm nổi bật là GDP 6 tháng đã tăng 7,08%, các khu vực và lĩnh vực kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ.

“Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% cả năm 2018, tổ chức tín nhiệm quốc tế Fitch đánh giá Việt Nam vào nền kinh tế tăng trưởng nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đây là những đánh giá khách quan nhưng để được kết quả này là do nỗ lực, sự quyết tâm, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng nói.

Cùng với những kết quả trên, Thủ tướng cũng đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế đối ngoại, tình hình hoạt động của DN, nhiều vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện…

Tuy nhiên, không chủ quan với những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu cụ thể 3 vấn đề bức xúc cần quan tâm giải quyết.

Thứ nhất là tình trạng thiên tai diễn ra trên cả nước, nên cần làm tốt công tác phòng chống hơn nữa.

Thứ hai là vấn đề an ninh trật tự, đặc biệt là những vụ tụ tập đông người tại Bình Thuận vừa qua, nên cần lập lại an toàn xã hội, giúp nhân dân bình yên, bởi an ninh trật tự là điều kiện tiên quyết tạo môi trường đầu tư ổn định, phát triển.

Thứ ba là những vấn đề xã hội bức xúc như: xâm hại trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trường học và bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm… làm nhức nhối trong quản lý xã hội nên cần có trách nhiệm với nhân dân, không để bức xúc kéo dài, ảnh hưởng tới niềm tin và thế hệ mai sau.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần lập lại kỷ cương đất nước, phát huy dân chủ nhưng phải kiên quyết xử lý kẻ cầm đầu.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý về sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm, khi CPI 6 tháng đã tăng 3,29% so với cùng kỳ; chủ yếu ở nhóm xăng dầu, ăn uống, giao thông… Vì thế, Thủ tướng yêu cầu tại phiên họp này, các bộ, ngành, địa phương cần thảo luận tìm biện pháp kiểm soát; trên tinh thần giá dịch vụ giáo dục, y tế không tăng trong năm nay, lạm phát không quá 4%.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới được 33%, nên Thủ tướng yêu cầu cần thảo luận về nguyên nhân tình hình giải ngân chậm…

Từ những vấn đề trên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần tìm giải pháp tăng trưởng, phát triển toàn diện, vượt mức kế hoạch đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp như: FED có thể còn tiếp tục tăng lãi suất, chiến tranh thương mại có thể xảy ra…

“Từng bộ, ngành phải nỗ lực, giải quyết những rào cản còn tồn tại để thúc đẩy phát triển, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thu ngân sách, nợ công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…”, Thủ tướng lưu ý.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018; từ đó, Bộ trưởng đã nêu ra một số giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Còn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong 6 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực hoàn thành đúng các nhiệm vụ, công việc Chính phủ đề ra. Trong đó, nhiều địa phương có nhiều sáng kiến, chuyển biến tích cực như thành lập trung tâm hành chính công, liên thông thực hiện thủ tục hành chính…

Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc cải cách thủ tục hành chính trong đó đã triển khai tích cực công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, triển khai cơ chế một cửa…

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cũng quyết liệt nêu ra những mặt còn hạn chế như: sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa đồng bộ; còn tình trạng né tránh, chưa mạnh dạn đề xuất các giải pháp, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu; việc đổi mới các mô hình còn chậm như công tác thu hồi đất, sử dụng đất, cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước, ô nhiễm môi trường, phá rừng…; còn tình trạng cán bộ công chức nhũng nhiễu….

Trong cả ngày 2/7, Hội nghị trực tuyến được tiếp tục với báo cáo tình hình phát triển kinh tế của các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cũng nêu một số kiến nghị lên Chính phủ để có những giải pháp nhằm tăng hiệu quả phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP