Xã hội

Thời niên thiếu của liệt sĩ Gạc Ma qua ký ức của người thân

Ở vào độ tuổi gần đất xa trời, ông Lê Bá Nghị mong muốn kể lại những câu chuyện về người con liệt sĩ Gạc Ma Lê Bá Giang, để khi lỡ như tổ tiên "gọi" ông bà vẫn có người nhớ đến.

Bướng bỉnh nhưng vô cùng hiếu thảo

Sắp đến ngày giỗ của người con trai, ông Lê Bá Nghị (SN 1937), trú khối Văn Trung, phường Hưng Dũng, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An lặng lẽ quét dọn bàn thờ và không quên nhắc nhở vợ là bà Nguyễn Thị Nhị (SN 1942) mua đồ lễ về để thắp hương.

“Năm nay vừa tròn 30 năm con tôi hy sinh, vợ chồng cũng già yếu lắm rồi, chẳng biết khi nào tổ tiên gọi về nữa nên lần này cố gắng làm mâm cỗ tươm tất cho con”, ông Nghị rót bình trà ấm mời khách cho hay.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông Nghị vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết về người con anh hùng của gia đình.

Nếu như trước đây, cứ mỗi lần nhắc đến người con Lê Bá Giang (SN 1968) đã mất, lòng ông Nghị quặn lên như sóng trào. Nhưng ở vào thời điểm gần đất xa trời, đầu tóc đã bạc trắng thì ông không còn cảm giác đau đớn nữa mà chỉ muốn tìm người kể lại những chuyện hồi xưa, để khi đến lúc không còn nữa thì mọi người vẫn nhớ đến con ông, đến những chiến công mà liệt sĩ Giang và đồng đội đã không tiếc tính mạng để giữ gìn độc lập cho dân tộc.

Ông Nghị kể, ông vốn là công nhân cầu đường nên thường xuyên phải đi công tác xa, một mình bà Nhị ở nhà tần tảo công việc đồng áng và nuôi dạy các con. Vì vậy, mỗi lần trước khi đi, ông Nghị đều gọi các con dặn dò phải chăm ngoan và giúp đỡ mẹ.

“Giang là một người con rất cá biệt, người thì nhỏ và gầy gò nhưng rất bướng bỉnh, thậm chí có thể nói là lỳ lợm. Đã thích việc gì thì Giang nhất quyết làm bằng được, đã không thích dù có đánh đòn cũng không động đậy”, ông Nghị nhớ lại.

Dù đã hy sinh nhưng chỉ cần nhân dân nhớ về anh, đất nước nhớ về anh thì gia đình đã vô cùng vui mừng

Thế nhưng, may mắn Giang là người con vô cùng thương mẹ. Thấy mẹ một mình chăm lo gia đình cho đến gầy rộc người, Giang chủ động ở nhà làm đồng phụ giúp. Phát hiện mẹ mệt, Giang nhất quyết bảo vào nghỉ, một mình lầm lũi làm hết việc nhà.

“Giang có tính ham chơi nên dù bị nạt thế nào vẫn không thể bỏ được, nhưng lạ cứ về nhà thấy tôi làm cái gì cũng chạy đến tranh làm. Con cái chúng tôi mỗi người mỗi tính, nhưng chỉ có Giang là người dùng hành động để biểu thị tình cảm”, bà Nhị móm mém cười nhớ lại.

Cũng chính vì thế khi học xong cấp 3, Giang nhất quyết không thi đại học mà ở nhà làm việc để kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Chỉ đến khi ông Nghị trở về gọi con ra nói chuyện, khuyên giải không nên bỏ lỡ ước mơ của mình, Giang mới chịu tiếp tục con đường đèn sách. Ông Nghị bảo Giang thích làm gì thì cứ làm, thích học trường nào cứ nói bố mẹ, đừng để sau này phải hối hận vì đã không làm, không thử sức.

“Đây là lần đầu tiên 2 bố con nói chuyện với nhau như những người đàn ông. Nhưng tôi không ngờ rằng sau đó Giang lại một mình đi đăng ký nghĩa vụ quân sự. Cho đến khi cháu trúng tuyển và được biên chế vào đội Hải quân thì mới về nói cho vợ chồng tôi biết. Lúc đầu, chúng tôi ngỡ ngàng lắm, nhưng sau nghĩ rằng con đã đủ tuổi trưởng thành, đã đến lúc tự quyết định tương lai của mình. Hơn nữa, thời điểm này ở trong làng cũng rất nhiều thanh niên tòng quân đánh giặc cứu nước, nên vợ chồng tôi không thể ngăn cản”, ông Nghị kể.

Kỷ vật chỉ còn chiếc quần rách nát

Cuối năm 1987, Lê Bá Giang ra Hải Phòng huấn luyện, một thời gian sau, anh được về nghỉ phép để chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ. Đây cũng là thời điểm cả nước hân hoan đón Tết Nguyên đán. Vậy mà trong một tuần ở nhà, Giang nhất quyết không đi chơi đâu cả, sửa sang lại đồ đạc cho bố mẹ.

“Thấy con càng đen và gầy hơn nên cả nhà thương lắm, nhưng Giang chững chạc và trưởng thành thế này, chúng tôi lại cảm thấy quyết định cho con nhập ngũ là điều đúng đắn. Vợ chồng chúng tôi chỉ không ngờ rằng đây là lần cuối cùng được gặp con, bởi sau đó Giang nhận được lệnh phải trở ra Bắc tập trung để di chuyển vào Nam đánh giặc”, ông Nghị kể.

Điều tiếc nuối của ông bà là không kịp đưa bánh chưng cho con

Biết được con sẽ hành quân qua TP.Vinh bằng tàu hỏa, ông bà rủ nhau mang vài chiếc bánh chưng vừa mới nấu, còn bốc hơi nóng hổi ra ga để gặp. Thế nhưng dù tìm kiếm khắp nơi ông bà vẫn không thấy con ở đâu cả. Khi tiếng còi vang lên, tàu bắt đầu di chuyển, ông bà đành trở về trong sự ngậm ngùi.

“Hóa ra, do một số thay đổi nên Giang chuyển vị trí chỗ ngồi vì thế vợ chồng tôi không gặp được. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn tiếc rằng không cố tìm thêm tí nữa để gặp con, để gửi cho con chiếc bánh chưng ăn dọc đường. Chúng tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng ở gần con, bởi khi nghe được tin tiếp theo thì Giang đã hy sinh”, ông Nghị nghẹn ngào.

Thực chất, sau đó vài tháng, ông bà có nhận được một lá thư của con, đó là lúc Lê Bá Giang sắp cùng đơn vị hành quân ra Trường Sa. Nội dung bức thư rất ngắn gọn, dặn dò bố mẹ, các anh em giữ sức khỏe và hứa sẽ sớm trở về nếu có thể.

“Vậy mà cuối cùng Giang không thực hiện lời hứa. Bởi vài tháng sau, chúng tôi có nghe trên đài phát thanh của xóm thông báo về việc 64 chiến sĩ hi sinh trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma, Trường Sa vào ngày 14/3/1988. Trong đó có tên của con tôi…”, giọng ông Nghị lạc đi, nghẹn lại ở cổ.

Mặc dù nghe đúng tên và địa chỉ nhưng ông bà vẫn không dám tin điều này là sự thực, còn tự động viên nhau trong thời chiến nhầm lẫn là chuyện bình thường, nhiều người sau khi mất tích vẫn trở về được mà. Thế nhưng cho đến năm 1990, giấy báo tử gửi về ghi rõ họ tên con thì lúc này ông bà mới chịu tin điều kỳ diệu không xảy ra.

“Khi nhận được giấy báo tử của con, vợ tôi ngất lên ngất xuống, cứ ôm chặt chiếc ba lô là kỷ vật cuối cùng mà quân đội tìm kiếm được. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, chúng tôi nghe tin dữ mà như có súng nổ bên tai, cũng từ thời gian ấy bà nhà tôi đổ bệnh tim”, ông Nghị cho biết.

Trong ba lô của anh Giang có vài bộ quần áo, sau đó để cho những người em mặc, hiện giờ cũng đã mất nên kỷ vật ấy giờ chỉ còn trong ký ức của gia đình.

Sau khi biết con đã hy sinh, một tuần ròng bà Nhị chỉ nằm khóc vì đau đớn

Trong số 64 chiến sĩ tham gia trận chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, năm ấy chỉ có một số ít may mắn tìm được hài cốt, những chiến sĩ còn lại mãi mãi nằm dưới đáy đại dương xanh thẳm, trong đó có liệt sĩ Lê Bá Giang.

Những năm về già, vợ chồng ông từng có mong muốn thấy thi thể con được đưa về quê nhà, thậm chí có lần đoàn cán bộ của bộ Tư lệnh Hải quân đến nhà lấy mẫu máu xét nghiệm ADN để xác định hài cốt, thế nhưng đến bây giờ vẫn không có chút tin tức nào.

“Đến thời điểm này, vợ chồng chúng tôi cũng biết không thể nào tìm được thi thể của con nữa, biển cả bao la ôm ấp lấy con và các đồng đội không chịu buông tay rồi. Đã hy sinh vì dân vì nước thì ở đâu cũng đáng tự hào, cũng vô cùng vinh quang. Chỉ cần đất nước không bao giờ quên những đóng góp của Giang và đồng đội thì vợ chồng tôi không còn gì để tiếc nuối nữa”, ông Nghị nói trước khi chia tay.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP