Giáo dục

Thi THPT quốc gia 2018: Có thí sinh đăng kí 50 nguyện vọng

Năm nay, có thí sinh đăng ký nhiều tới 50 nguyện vọng. Tỷ lệ nguyện vọng đăng ký là 3 nguyện vọng, chiếm 18%.

Con số trên đây vừa được Bộ GD&ĐT công bố sáng nay (27/4), tại họp báo công bố các thông tin quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2018.

Khối ngành kinh doanh được thí sinh lựa chọn nhiều nhất

Theo Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh ĐKDT năm 2018 là 925.964 thí sinh. Năm 2018 sẽ có: 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là: 688.610.

Về các tổ hợp thi thí sinh đã lựa chọn, có 341.576 thí sinh đă ký bài thi KHTN, chiếm 37% (năm 2017: 38%). Có 44.538 thí sinh đăng ký bài thi KHXH, chiếm 48%. Có 360.16 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%.

Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017).

Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.

Ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) giải đáp thắc mắc tại buổi họp báo.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy năm nay khối ngành kinh doanh, quản lý được thí sinh lựa chọn nhiều nhất với 832.684 nguyện vọng/121.183 chỉ tiêu, tiếp theo là khối dịch vụ, an ninh quốc phòng với 783.703 nguyện vọng/99.439 chỉ tiêu, khối công nghệ, kỹ thuật, sản xuất, cơ bản được thí sinh lựa chọn nhiều thứ ba với 722.511 nguyện vọng/147.692 chỉ tiêu.

Trao đổi về tỉ lệ nguyện vọng đăng kí năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, tỉ lệ thí sinh đăng kí là 3 nguyện vọng nhiều nhất, chiếm 18%. Cá biệt, năm nay có thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất, lên đến 50 nguyện vọng.

Nhiều trường tự “chấn chỉnh” tổ hợp lạ

Bà Kim Phụng cho biết, qua sự phản ánh của báo chí trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc chấn chỉnh các trường hợp nhà trường “sáng tạo” các tổ hợp thi lạ, không liên quan đến trường mình.

Đặc biệt trả lời câu hỏi, làm thế nào để chấn chỉnh một số trường có đầu vào xét tuyển quá thấp trong khi các trường đã được phép tự chủ? Bà Phụng cho hay, với thị trường ngày càng khó tính, các trường sẽ không phát triển nếu không nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, có nhiều trường vẫn đưa ra ngưỡng xét tuyển thấp, nhất là các trường năng lực yếu kém, khó tuyển sinh.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại Hà Nội

“Nếu các trường này không tự chặt chẽ với chính mình, chất lượng sẽ thấp và sẽ tự nhiên bị thị trường đào thải. Tương tự, như các trường có tổ hơp lạ kể đến trên đây, sau khi có sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT, các trường đưa ra ngưỡng vào thấp cũng đã thay đổi sau khi được chấn chỉnh hoặc bỏ các tổ hợp “lạ” không liên quan đến trường”, bà Phụng chia sẻ.

Trao đổi về một số công việc chuẩn bị tiếp theo cho kì thi THPT quốc gia năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ tăng cường hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh.

Chỉ đạo tổ chức và kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các sở GD&ĐT, công tác chuẩn bị tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ, TC.

Thành lập các đoàn kiểm tra thi và tuyển sinh của Ban Chỉ đạo và triển khai hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại các địa phương, đơn vị; Hướng dẫn xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh.

Đặc biệt, Bộ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh trong các trường phổ thông thuộc quyền quản lý, nghiêm cấm các trường cắt xén chương trình.

“Mặc dù kì thi năm ngoái diễn ra suôn sẻ tuy nhiên, điều dễ sai nhất có thể nằm trong chính những thứ mà chúng ta đã quen. Vì thế, chúng ta không được chủ quan.

Trên tinh thần đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Trong đó, lưu ý việc ôn tập cho các học viên đã hoàn thành chương trình THPT trước đây nhưng chưa tốt nghiệp THPT, nay có nguyện vọng ôn tập, chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 với tư cách thí sinh tự do tại các trung tâm GDTX.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Các trường ĐH, CĐ phải phối hợp chặt chẽ với các sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi để tránh xảy ra sai sót”, ông Trinh nói.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP