Thế giới

Thay đổi bước ngoặt cho nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Nhật

Việc thứ trưởng tài chính Nhật Bản phải từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục đang khuyến khích các nạn nhân nói ra sự thật.

Nghị sĩ đảng Xã hội dân chủ Mizuho Fukushima cầm tấm bảng ủng hộ phong trào #MeToo trong cuộc phỏng vấn với Reuters ở Tokyo, Nhật Bản hôm 24/4. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 4, thứ trưởng tài chính Nhật Bản Junichi Fukuda đã phải từ chức sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục một nữ phóng viên, theo Reuters. Fukuda phủ nhận mọi cáo buộc và cũng không bị khởi kiện nhưng Bộ Tài chính sau đó thừa nhận vụ quấy rối và cắt giảm 20% lương của ông này trong 6 tháng.

Kể từ đó, quấy rối tình dục trở thành vấn đề gây nhức nhối. Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda, 57 tuổi, người nắm giữ danh sách vốn đầu tư vì quyền lợi phụ nữ trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, nói rằng bà đã có kế hoạch sớm giới thiệu những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

"Tôi nghĩ phụ nữ đã bị mặc định suy nghĩ rằng quấy rối tình dục là việc không thể tránh khỏi trong khi đàn ông thì cho rằng đó là chuyện bình thường", bà nói.

"Trong trường hợp của tôi, đó là vấn đề quan hệ quyền lực giữa tôi với những người đàn ông trung tuổi hoặc già hơn. Tôi thường phải uống rượu đến tối muộn với họ. Những đề nghị kiểu 'muốn được bỏ phiếu thì phải cho tôi sờ ngực' xảy ra hàng ngày", Noda nhớ lại trải nghiệm của bà khi là ứng cử viên ở tuổi 30.

Vụ bê bối của Fukuda đã thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn nạn quấy rối tình dục nhưng đồng thời cũng đang giúp thay đổi thái độ cộng đồng.

"Phong trào #MeToo để các nạn nhân nói ra sự thật đã bắt đầu. Những gì bị giấu kín đã trở nên rõ ràng", nghị sĩ phe đối lập, cựu bộ trưởng bình đẳng giới Mizuho Fukushima cho biết, đề cập đến phong trào nạn nhân bị quấy rối hoặc tấn công tình dục nói lên sự thật đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Nhật Bản, các nạn nhân thường không dám đứng ra tố cáo vì lo sợ bị quy tội. Đó cũng chính là điều mà Shiori Ito phải đối mặt vào năm ngoái khi đứng ra tố cáo nhà báo nổi tiếng Noriyuki Yamaguchi cưỡng hiếp cô. Yamaguchi phủ nhận cáo buộc và không bị buộc tội.

"Tôi đã nói rằng không có hành vi phạm tội và thực tế chẳng có tội phạm nào hết", Yamaguchi nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Theo quy định của luật pháp Nhật Bản, các công tố viên không giải thích với công chúng về các quyết định. Một ủy ban tư pháp đã bác bỏ đơn tố cáo của Ito, nói rằng không phát hiện căn cứ nào để lật lại quyết định của công tố viên. Ito đang yêu cầu đền bù từ Yamaguchi như một vụ tố tụng dân sự.

"Nói về cưỡng hiếp và quấy rối tình dục là điều cấm kị và nhiều người nghĩ rằng nếu nói ra, bạn sẽ bị xem là ô uế", Ito nói, nhưng cô tin mọi thứ có thể trở nên tốt hơn.

Một người biểu tình cầm áp phích có chữ #MeToo trong cuộc biểu tình chống quấy rối tình dục tại khu mua sắm và giải trí Shinjuku ở Tokyo, Nhật Bản hôm 28/4. Ảnh: Reuters.

Người dẫn chương trình nổi tiếng Yuko Ando đồng tình với quan điểm này, nói rằng phản ứng của công chúng đối với cáo buộc chống lại Fukuda đã cho cô hy vọng.

"Nhiều người ở Nhật Bản từng giấu kín việc bị quấy rối tình dục có thể sẽ nói ra bởi những ký ức đó không bao giờ biến mất khỏi tâm trí họ", Ando nói.

Nghị sĩ đối lập Renho cho biết một thách thức đặt ra là phải đảm bảo những nạn nhân "thấp cổ bé họng" được lắng nghe và được bảo vệ. Một trong những phóng viên tố cáo Fukuda là nhân viên của đài truyền hình Asahi.

"Nếu đó là nữ phóng viên làm việc bán thời gian cho một đài địa phương hoặc những người liên quan không phải người công chúng, tôi tự hỏi liệu tiếng nói của họ có được lắng nghe không", Renho nói.

Sau khi nữ phóng viên tiết lộ câu chuyện bị quấy rối trên một tuần san, Asahi đã phản đối lên Bộ tài chính và bộ này phải đưa ra lời xin lỗi.

"Loại hành động này không thể chấp nhận được, nó hủy hoại phẩm giá và nhân quyền của nạn nhân", Thứ trưởng Tài chính Koji Yano phát biểu trong một cuộc họp báo tháng trước. Asahi yêu cầu bộ tiếp tục điều tra và bắt Fukuda phải trực tiếp xin lỗi nhưng không nhận được thêm phản hồi nào.

Trong một thông cáo của Asahi, nữ phóng viên nói rất tiếc vì Fukuda không thừa nhận cáo buộc và nhấn mạnh thêm rằng vụ việc của cô sẽ mở đường cho những nạn nhân đứng ra tố cáo. "Tôi chỉ cầu mong có một xã hội mà nhân phẩm của tất cả mọi người đều được tôn trọng", cô nói trong thông cáo.

Bộ trưởng Nội vụ Noda, người có kế hoạch thách thức vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Abe trong đảng cầm quyền, kêu gọi một đạo luật tăng cường bảo vệ những nạn nhân bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên, một số phụ nữ cho rằng để giải quyết tình trạng này, cần phải thu hẹp bất bình đẳng về giới tính và kinh tế.

"Vấn nạn quấy rối tình dục sẽ không biến mất nếu không thể xóa bỏ sự mất cân đối việc nắm quyền giữa nam và nữ tại nơi làm việc", Chizuko Ueno, giám đốc của Tổ chức Hành động vì Phụ nữ và giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo cho biết.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP