Xã hội

Tạt chất bẩn vào người cô dâu, chú rể sẽ bị xử lý ra sao?

Chú rể đang làm lễ đón cô dâu về nhà chồng thì bị người yêu cũ tạt chất bẩn vào người gây xôn xao dư luận.

Sự việc xảy ra tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vào trưa 4-10.

Theo đó, khi cô dâu Dương Thị Y (41 tuổi), chú rể Dương Văn H (43 tuổi) làm lễ rước dâu về nhà chồng thì bất ngờ bị chị Bùi Thị T. (45 tuổi) hắt chất bẩn vào người. Sự việc được người dân quay clip đưa lên mạng khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Được biết, trước đây, anh H. và chị T. yêu nhau nhưng gia đình ngăn cấm. Khi anh H. và người yêu mới là chị Y. làm đám cưới thì chị T. hắt nước bẩn vào người.

Cô dâu và chú rể bị tạt chất bẩn trong ngày cưới


Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của chú rể và cô dâu trước mặt đông đảo người tham dự đám cưới cũng như bị cộng đồng mạng bàn tán.

Theo đó, hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng theo điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021.

Tuy nhiên, cô dâu, chú rể bị tạt chất bẩn trong ngày đám cưới gây xôn xao trước các vị quan khách tham dự và gây bàn tán trong dư luận. Từ đó, chuyện đời tư của chú rể cũng bị đưa ra bàn luận gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của chú rể và cô dâu.

Với hành vi này, người tạt chất bẩn còn có thể bị "Tội gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc "Tội làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, cần xác định đoạn clip do ai phát tán và nhằm mục đích gì để có căn cứ đánh giá toàn diện, đầy đủ sự việc.

Đối với tội làm nhục người khác thì chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Do đó, trong trường hợp này nếu cô dâu, chú rể yêu cầu khởi tố "Tội làm nhục người khác" thì mới có căn cứ để xem xét xử lý.

Sau khi xảy ra sự việc, bị hại không muốn làm lớn chuyện vì hàng xóm với nhau cũng như từng có quan hệ tình cảm nên chỉ muốn địa phương răn đe, giáo dục chị T.

Tuy nhiên, sự việc trên cũng là một hồi chuông cảnh báo pháp luật phải mạnh tay với những hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu.

Hiện nay, có nhiều đối tượng bất chấp vì mục đích cá nhân mà có những hành vi làm nhục, phá hoại tài sản của người khác. Những hành vi như vậy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt về mặt tinh thần với các nạn nhân nên nếu dừng lại ở mức xử lý hành chính thì khó có thể răn đe.

Tác giả: Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ)

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP