Thế giới

Tài phiệt Nga đứng ngồi không yên

Hai thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình dự luật quy định các hình phạt đối với chính phủ Nga nếu họ can thiệp vào các cuộc bầu cử Liên bang Mỹ trong tương lai

Bộ Tài chính Mỹ đang hoàn tất danh sách chính thức "các nhà tài phiệt" gần gũi với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin . Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin khẳng định bảng danh sách sẽ được công bố "trong tương lai gần".

Giới nhà giàu Nga xôn xao

Theo trang Bloomberg, giới nhà giàu Nga đang tăng tốc bảo vệ tài sản và tiếng tăm. Các cố vấn người Mỹ của một số nhà tài phiệt tiết lộ do lo ngại có tên trong danh sách, họ tìm cách kiểm tra mức độ ảnh hưởng tiềm tàng đến các khoản đầu tư hoặc bán cổ phần.

Theo ông Dan Fried, từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhiều doanh nhân Nga đã tiếp cận các cựu viên chức Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ có kinh nghiệm về trừng phạt để nhờ giúp loại tên mình khỏi danh sách. Thậm chí, một số người cử người đại diện đến Washington nghe ngóng.

Tỉ phú Nga Oleg Deripaska (phải) là người có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Vladimir Putin Ảnh: MEDIUM

"Một số nhà tài phiệt Nga còn khởi động lại doanh nghiệp từ đầu, làm ra vẻ họ được chỉ định để tiếp tục lãnh đạo" - ông Daniel Tannebaum, người đứng đầu đơn vị trừng phạt tài chính toàn cầu của Công ty PricewaterhouseCoopers LLP, nhấn mạnh và xác nhận ông đã cố vấn cho khoảng 10 công ty Nga.

Bloomberg cho hay hạn chót để danh sách trên hoàn tất là ngày 29-1. Cơ sở của nó là một đạo luật do Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8-2017 nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì đã can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Không chỉ khiến giới nhà giàu Nga đứng ngồi không yên, danh sách này cũng làm nội bộ Bộ Tài chính Mỹ đau đầu.

Một số quan chức lo ngại nó sẽ được kết hợp với các biện pháp trừng phạt. Họ đang xem xét giữ bí mật một số phần trong bản báo cáo và ban hành nó dưới dạng lá thư từ quyền Thứ trưởng Tài chính Sigal Mandelker, thay vì công bố qua Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài - cơ quan ban hành lệnh trừng phạt. Làm như vậy sẽ giúp phân biệt bảng danh sách nói trên với các danh sách người Nga bị Mỹ trừng phạt kinh tế .

Đề phòng cho tương lai

Lâu nay, Nga vẫn tìm cách bảo vệ giới tinh hoa của mình. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 12-1, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ phản ứng với bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với giới doanh nhân nước này.

Tháng trước, Tổng thống Putin đã đưa ra "chương trình ân xá" nhằm khuyến khích các công dân Nga giàu có hồi hương số tài sản hơn 1.000 tỉ USD của họ. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã thông qua chương trình phát hành loại trái phiếu đặc biệt, giúp giới nhà giàu giữ được tài sản bằng đồng USD ngoài tầm với của Bộ Tài chính Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào trái phiếu sẽ khiến ngành tài chính Nga thiệt hại nặng, dẫn đến kịch bản bán tháo trên thị trường trái phiếu và làm đồng rúp chao đảo. Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Nga dựa vào nợ để chống đỡ thiếu hụt ngân sách và đang có kế hoạch vay trong nước 18 tỉ USD trong năm 2018.

Trừng phạt của Mỹ còn có thể tăng lên nếu dự luật do 2 thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa) và Chris Van Hollen (Dân chủ) đệ trình hôm 16-1 được thông qua. Trang McClatchy DC cho hay dự luật quy định các hình phạt đối với chính phủ Nga, cũng như các nước khác, nếu họ can thiệp vào các cuộc bầu cử Liên bang Mỹ trong tương lai.

Theo McClatchy DC, nếu được thông qua, dự luật trên hệ thống hóa các hình phạt đặc biệt đối với các công dân Nga. Chỉ cần giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ xác định có xảy ra can thiệp, các cá nhân liên quan sẽ bị trừng phạt trong vòng 10 ngày. Các hình phạt bao gồm trừng phạt các khu vực kinh tế Nga (tài chính, năng lượng, quốc phòng và khai khoáng) và các nhân vật cấp cao trong chính trường Nga hoặc các nhà tài phiệt.

Theo dự luật, Nhà Trắng cũng sẽ được yêu cầu hợp tác với Liên minh châu Âu nhằm mở rộng ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Nếu dự luật được thông qua, Nhà Trắng phải cung cấp cho quốc hội bản kế hoạch ngăn chặn các nỗ lực can thiệp bầu cử Mỹ từ Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên - những quốc gia bị Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ "điểm danh" là nguy cơ trên không gian mạng.

Tác giả: Lục San

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP