Smartphone hiện nay chủ yếu có lớp vỏ được làm bằng ba chất liệu chính, gồm nhựa, kính và kim loại. Với mỗi chất liệu, chúng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.
Đối với máy làm bằng kim loại, tính sang trọng và cao cấp là điều không thể phủ nhận. Những thiết bị có thiết kế bằng kim loại toát lên vẻ thẩm mỹ, cứng cáp và tất nhiên là độ bền của nó cũng tốt hơn nhiều so với nhựa hay thủy tinh.
Ưu điểm của smartphone kim loại là cứng cáp, sang trọng. |
Bên cạnh đó, kim loại cũng giúp smartphone tỏa nhiệt nhanh hơn, từ đó bảo đảm độ bền cho linh kiện bên trong máy. Tuy vậy, vậy, việc thoát nhiệt nhanh khiến thiết bị nhanh nóng hơn, từ đó có thể tạo cảm giác khó chịu khi sử dụng.
Một nhược điểm mà smartphone có thiết kế kim loại hay gặp, đó là sự biến dạng. Chỉ cần làm rơi hoặc va đập vào vật cứng tùy lực, việc móp, méo, trầy xước là điều không thể tránh khỏi.
Việc truyền tín hiệu sóng di động (3G/4G, Wi-Fi, Bluetooth...) khá quan trọng. Tuy vậy, nếu toàn bộ thiết bị đều bằng kim loại, sóng nhận/truyền sẽ kém đi, đó là lí do vì sao trên hầu hết điện thoại thông minh đều có dải viền anten bằng nhựa.
Điện thoại bằng nhựa lại khắc phục được nhược điểm dễ móp, méo của kim loại. Đây là chất liệu khá dẻo dai, không làm ảnh hưởng đến việc thu phát tín hiệu của thiết bị.
Nhựa giúp nhà sản xuất dễ đưa vào nhiều màu sắc hơn. |
Chi phí sản xuất một chiếc điện thoại bằng nhựa cũng thấp hơn nhiều so với kính hay kim loại, đó là lý do vì sao chất liệu này xuất hiện trên hầu hết sản phẩm giá rẻ. Đó là chưa kể nhà sản xuất dễ dàng đưa vào màu sắc, cho phép người dùng có nhiều tùy chọn hơn.
Tuy vậy, nhựa thường gắn với suy nghĩ "rẻ tiền" và smartphone dùng chất liệu này trên thực tế cũng không cho cảm giá sang trọng. Đó là chưa kể tính bám bẩn và bị phai màu, giảm độ bền sau thời gian sử dụng.
Trong khi đó, kính lại là điểm hội tụ của kim lại và nhựa. Với chất liệu này, nhà sản xuất có thể đưa vào nhiều màu sắc (bằng cách đem màu sắc xuống dưới lớp kính), tạo nên thiết kế bóng bẩy và sang trọng. Kết hợp với khung kim loại, máy dùng kính cũng trở nên cứng cáp và cho cảm giác cầm thích tay. Tất nhiên, sóng di động cũng dễ dàng truyền qua hơn trên kính.
Mặt kính cho cảm giác đẹp mắt nhưng dễ nứt vỡ, trầy xước. |
Nhược điểm của kính là bám vân tay, khá dễ vỡ và trầy xước, dù công nghệ dành cho chất liệu này thời gian qua đã cải tiến khá nhiều. Cát và vật cứng có thể xem là "kẻ thù" của kính cường lực, do đó người dùng không nên để "dế" của mình tiếp xúc với chúng. Nếu bị trầy xước, vẻ đẹp của máy giảm đi rất nhiều so với trước đó.
Ngoài ra, smartphone dùng kính cũng khiến máy khá trơn, khó cầm nắm. Ốp lưng có thể giải quyết được vấn đề, nhưng nó sẽ làm giảm đi độ thẩm mỹ.
Như vậy, mỗi chất liệu đều có những ưu và nhược điểm riêng. Điện thoại kim loại nên được lựa chọn vì độ bền, thiết kế sang trọng. Tuy vậy, smartphone làm bằng kính cũng nên cân nhắc, bởi ngoài những ưu điểm như máy kim loại, nó còn dễ dàng tích hợp các công nghệ khác, dù bạn phải cẩn thận hơn khi dùng.
Tác giả: Bảo Lâm (Theo Android Central)
Nguồn tin: Báo VnExpress