Kinh tế

Siết bán hàng đa cấp sau loạt vụ nhức nhối sữa giả, thuốc giả

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp đa cấp rà soát sản phẩm và hoạt động quảng cáo.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, phân phối sản phẩm sữa giả, thuốc giả; quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm thực phẩm, với sự tham gia của những người có ảnh hưởng trong xã hội.

Bộ Công Thương tiếp tục siết quản lý hoạt động bán hàng đa cấp


Các vụ việc này đều có quy mô lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản và tinh thần của người tiêu dùng.

Nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khẩn trương, nghiêm túc thực hiện rà soát việc công bố sản phẩm và hoạt động quảng cáo sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm trong danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm đã được công bố đúng quy định, lưu hành đúng nội dung công bố, đảm bảo rõ ràng, chính xác thông tin về thành phần, công dụng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế.

Không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng người có ảnh hưởng (KOL/Influencer…) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp và người có ảnh hưởng đều phải đảm bảo minh bạch thông tin, không gây hiểu nhầm và tuân thủ nghiêm quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo Bộ Công Thương, trên cả nước hiện chỉ còn 16 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (giảm 4 doanh nghiệp so với đầu năm 2024).

Vừa qua, Công ty TNHH Phong cách sống kim cương Việt Nam bị thu hồi giấy chứng nhận; Công ty TNHH Người Lái xe mặt trời chủ động chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; Công ty TNHH Thương mại Lô Hội và Công ty TNHH MTV TM DV Hoằng Đạt có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hạn hiệu lực.

Doanh thu ngành bán hàng đa cấp năm 2024 đạt 16.206 tỉ đồng, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp gần 700.000 người; mức hoa hồng, tiền thưởng bình quân khoảng 951.000 đồng/tháng, chỉ tương đương 12% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước trong năm 2024.

Tác giả: Lê Thúy

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP