Tin địa phương

Sạt lở đất đe doạ cuộc sống người dân Quảng Bình

Tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân tại Quảng Bình lâm vào cảnh mất đất, mất nhà. Nguyên nhân của thực trạng này được cho là do thời gian qua tỉnh Quảng Bình hứng chịu nhiều trận mưa lớn kéo dài khiến địa chất bị biến đổi.

Tại huyện Minh Hoá, lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 34 hộ dân với hơn 130 nhân khẩu của bản Cha Lo, xã Dân Hoá ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị phá hủy và đe doạ bởi sạt lở núi.

Trước đó, tại khu vực xã Dân Hóa, sạt lở đất đã phá huỷ gần như toàn bộ công trình Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và một phần quốc lộ 12A.

Anh Hồ Thông (33 tuổi, là người dân tộc Chứt ) trú tại bản Cha Lo, cùng gia đình đã phải di dời ra bản Bãi Dinh cách nhà 30 km để đảm bảo an toàn trước sự đe doạ của sạt lở núi.

"Núi bị nứt nẻ, có nguy cơ sạt lở nên xã Dân Hóa cùng Bộ đội Biên phòng đã vận động bà con di dời ra ngoài bản Bãi Dinh.", anh Hồ Thông cho biết.

Hàng chục hộ dân phải dựng lán tạm để tá túc một cách tạm bợ, khó khăn.

Còn tại huyện Tuyên Hoá, sạt lở đang đe dọa đời sống của gần trăm hộ dân, nhiều hộ đã phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt tại một số xã như xã Thạch Hoá có tới 22 hộ với 91 nhân khẩu, xã Đức Hóa với 27 hộ dân ở thôn Đồng Lâm đã phải di dời khẩn cấp nhằm tránh sạt lở núi. Cùng với đó tại xã Thuận Hóa cũng có 16 hộ dân cần được di dời, tái định cư.

Tình trạng sạt lở đất đã khiến nhiều căn nhà đã bị đất đá vùi lấp. Nhiều hộ dân lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất". Trước tình trạng đó, họ phải sống nhờ nhà người thân hoặc dựng lán tạm để làm nơi sinh hoạt tạm thời.

Một vụ sạt lở đã phá hủy đi ngôi nhà vay nợ để xây của vợ chồng chị Hoàng Thị Hà ở thôn 2, xã Thạch Hóa, hơn 1 tháng nay, gia đình 4 người này đang phải chen chúc sống trong lán tạm chưa đầy 20m2.

Những gia đình khó khăn nay càng khó khăn hơn bởi họ mất đi nhà cửa, đất đai.

"Tôi ở đây 20 năm rồi, đây là lần đầu tiên có sạt lở như vậy. Nhà mới làm còn chưa kịp trả xong nợ đã bị đổ sập phải ra đây trú tạm. Giờ xã có cấp cho đất mới thì gia đình thực sự cũng không có tiền mà làm nhà", chị Hà nói.

Cùng chung hoàn cảnh với chị Hà còn có hàng chục hộ dân khác cũng bị sạt lở núi đe doạ an toàn, phá mất nhà cửa, tài sản. Bởi sạt lở núi mà chị Hà có thêm hàng chục hộ "hàng xóm tạm thời", cùng chung hoàn cảnh nên họ đành cùng nhau dựng lán để làm chỗ nương náu.

"Chúng tôi không biết phải sống tạm như thế này đến bao giờ nữa, thấy xã bảo sẽ sớm xây dựng tái định cư cho các hộ dân nhưng mãi chưa thấy và sẽ được hỗ trợ như thế nào, không có tiền làm nhà mới thì cũng chỉ ở lán như thế này thôi", bà Nguyễn Thị Lan, người chung hoàn cảnh với chị Hà cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lan không biết khi nào cuộc bà mới thoát cảnh sống tạm bợ.

Để sớm giúp người dân thoát khỏi khó khăn, các địa phương đã lên kế hoạch cũng như trình các cấp, ban, ngành xem xét để di dời tái định cư các hộ dân nằm trong vùng sạt lở. Vấn đề các địa phương đang mắc phải nằm ở việc bố trí đất để người dân tái định cư, thiếu kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân làm lại nhà cửa.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Cao Xuân Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, khó nhất hiện nay là kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực tái định cư và hỗ trợ người dân làm lại nhà cửa ở khu vực mới do ngân sách huyện không thể đáp ứng.

"Về phía chính quyền địa phương cũng đã thực hiện những công việc thẩm quyền và cũng mong các cấp cố gắng hỗ trợ nguồn kinh phí giúp cho huyện sớm thực hiện các khu tái định cư để người dân đảm bảo an toàn tính mạng, sớm ổn định cuộc sống", ông Tín nói.

Tác giả: Hùng Trần

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP