Tin địa phương

Sẵn sàng cho cuộc điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Từ ngày 1/7-15/8/2024, cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội (KT-XH) của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024 trên quy mô toàn quốc sẽ được tiến hành. Cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Bình đã có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho cuộc điều tra được diễn ra thành công. Những ngày này, Cục Thống kê Quảng Bình đang gấp rút hoàn thành các khâu chuẩn bị cuối cùng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao.

Phó cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thành Long cho biết, đây là lần thứ ba điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS được tổ chức ở nước ta (lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2015 và lần thứ hai vào năm 2019). Mục đích cuộc điều tra là nhằm phản ánh thực trạng KT-XH của 53 DTTS để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển KT-XH cho các vùng DTTS giai đoạn 2026-2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, cuộc điều tra lần này rất phức tạp và đây cũng là lần đầu tiên ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của cuộc điều tra, kể cả công đoạn lập bảng kê mà những cuộc điều tra thống kê trước đây đều được thực hiện bằng phiếu điều tra giấy sau đó nhập tin.

Theo đó, với hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điện tử trên webform, các xã thuộc khu vực I, II và III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tự kê khai thông tin trên bảng hỏi trực tuyến theo hướng dẫn của điều tra viên (ĐTV). Đồng thời, công tác lập bảng kê và điều tra phiếu hộ đều được thực hiện bằng phiếu điện tử (CAPI) là thách thức không nhỏ đối với ĐTV trong quá trình thực hiện.

Đoàn công tác của Cục Thống kê kiểm tra, giám sát điều tra viên thực hiện lập bảng kê hộ dân cư tại các địa bàn điều tra.

Đối với phiếu xã, đòi hỏi ĐTV cần nắm rất rõ quy trình thu thập thông tin, luồng thông tin và các chỉ tiêu cần thu thập để hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm cho các đơn vị cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác. Ngoài ra, đồng bào DTTS có trình độ dân trí còn thấp, điểm dân cư phân bố nhỏ lẻ ở giữa núi rừng, đặc biệt, một số hộ dân tộc Chứt không nói được tiếng phổ thông nên phải cần phiên dịch, trong khi nội dung của cuộc điều tra lại rộng và phức tạp…

Để cuộc điều tra đạt yêu cầu đề ra, ngành Thống kê tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, đối tượng, phạm vi, thời điểm, thời gian điều tra, những nội dung cơ bản của cuộc điều tra, quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp, cung cấp thông tin với cơ quan thống kê, ĐTV thống kê. Qua đó, tạo được sự đồng thuận và hợp tác tích cực của hộ DTTS trong quá trình phỏng vấn khai thác thông tin ghi phiếu tại địa bàn điều tra.

Nhằm bảo đảm yêu cầu chất lượng và ổn định lực lượng thu thập thông tin, Cục Thống kê đã tuyển chọn lực lượng ĐTV và tổ trưởng đều là những người có kinh nghiệm trong điều tra thống kê, có tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu văn hóa của người DTTS và địa bàn. Mặt khác, đối với những hộ đồng bào không nói được tiếng phổ thông, người phiên dịch đã được chọn đầy đủ. Cùng với đó, việc tập huấn nghiệp vụ cho ĐTV các cấp được chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung tập huấn có trọng tâm, trọng điểm để giúp ĐTV nắm bắt tốt nhất nội dung của phiếu hỏi và quy trình thực hiện trên phần mềm thu thập thông tin.

Phó cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thành Long: Đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu của cuộc điều tra; tập trung vào chất lượng số liệu cũng như quá trình thực hiện điều tra của ĐTV; kịp thời giải quyết vướng mắc về nghiệp vụ đối với những địa bàn đến giám sát; kiểm tra, giám sát trực tuyến trên trang web điều hành. Để bảo đảm chất lượng thông tin thu thập, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng phiếu điều tra được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin, giám sát viên cấp huyện kiểm tra dữ liệu trên trang web, kịp thời thông báo và yêu cầu ĐTV xác minh hoàn thiện cơ sở dữ liệu phiếu điều tra… Bảo đảm thực hiện điều tra trên địa bàn tỉnh đúng các nội dung quy định trong phương án điều tra.

Anh Phạm Tuấn Hùng, Trưởng bản Bang, xã Kim Thủy (Lệ Thủy), ĐTV lập bảng kê cho biết, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của người lập bảng kê được quy định trong Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, ĐTV cần thực hiện các giải pháp, như: Thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn do Cục Thống kê tổ chức; khi tiếp cận hộ phải tự giới thiệu về bản thân, giới thiệu mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc điều tra để cơ sở hiểu rõ về cuộc điều tra và tạo thuận lợi cho ĐTV điều tra ghi phiếu. Cần phỏng vấn chủ hộ vì chủ hộ là người hiểu rõ thông tin của hộ (trường hợp không gặp thì cần hẹn lịch quay lại); quá trình phỏng vấn, nêu câu hỏi cần rõ ràng, chậm, để chủ hộ hiểu và trả lời đúng nội dung. Những ngày đầu, tiến độ có thể chậm để rút kinh nghiệm sau đó tăng dần lên; tiếp thu ý kiến đóng góp của giám sát viên các cấp và ĐTV khác; kết thúc phỏng vấn hộ dân cư cần kiểm tra lại thông tin trước khi rời hộ.

Bí thư Chi bộ bản Bang, xã Kim Thủy Hồ Văn Quang chia sẻ, với sự quan tâm, đầu tư, của Đảng, Nhà nước đời sống của đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, từ đó, bà con nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho ĐTV. Bởi mục đích của cuộc điều tra là vì cuộc sống tốt đẹp hơn của dân bản trong tương lai.

Hiện tại, ngành Thống kê tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo và giám sát công tác lập bảng kê hộ tại các địa bàn điều tra; triển khai tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho giám sát viên các cấp, tổ trưởng, ĐTV. Công tác chuẩn bị của ngành Thống kê tỉnh với những đơn vị phối hợp thực hiện đã được triển khai tốt nhất để sẵn sàng cho lễ ra quân sẽ được tiến hành vào ngày 1/7 tới.

Tác giả: Mai Nhân

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP