Tin địa phương

Sẵn sàng bước vào năm học mới

Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, các chương trình, dự án, nhà hảo tâm..., hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp ở huyện miền núi Minh Hóa trong những năm gần đây đã được đầu tư mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng cao của người dân trên địa bàn. Hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Minh Hóa cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024.

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới 2023-2024, công tác xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, điểm trường, lớp học, xây dựng phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy và học... đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và các nhà trường ở huyện Minh Hóa đặc biệt quan tâm.

Học sinh huyện Minh Hóa sẵn sàng bước vào năm học mới 2023-2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, để sẵn sàng cho năm học mới, ngay từ dịp đầu hè 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiến hành rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường. Trên cơ sở đó, vận dụng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025..., huyện đã đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, xây mới nhiều điểm trường học, phòng chức năng, khuôn viên, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy học.

Huyện cũng chỉ đạo Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện tiến hành sắp xếp, bố trí, cân đối đội ngũ giáo viên (GV) nhằm bảo đảm cho việc dạy học đạt hiệu quả, chất lượng; từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV, đặc biệt là các GV chuyên biệt bộ môn Tiếng Anh, Tin học. Đến thời điểm này, huyện Minh Hóa đã sẵn sàng vững tin đón chào năm học mới 2023-2024.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa Đinh Tuấn Anh thông tin thêm, trong dịp hè 2023, huyện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi được đến trường học chữ. Cùng với đó, phòng đã tăng cường hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, sách giáo khoa để tiếp tục triển khai dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 4 và lớp 8 đạt kết quả tốt.

Nhiều trường học ở huyện Minh Hóa được đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Ngành GD-ĐT huyện còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung hướng dẫn về chuẩn bị sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập cho học sinh (HS) trong năm học mới đến phụ huynh và HS, như: Mua sắm sách, vở và đồ dùng học tập trong năm học theo đúng các văn bản hướng dẫn, giữ gìn sách, vở để sử dụng lâu dài; quan tâm giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn, HS là con các trường hợp chính sách, HS khuyết tật nhằm bảo đảm cho các em được hưởng đầy đủ chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

"Đến thời điểm này, huyện Minh Hóa đã huy động được 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và tuyển sinh 100% số HS hoàn thành chương trình lớp 5 vào học lớp 6 năm học 2023-2024", Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa Đinh Tuấn Anh cho biết thêm.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT huyện đã quán triệt, hướng dẫn các trường tổ chức công tác thu, chi đầu năm bảo đảm theo các quy định; tiến hành phê duyệt kế hoạch thu, chi cho các trường; cập nhật các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thu, chi theo các văn bản hướng dẫn hiện hành; quyết tâm không để xảy ra hiện tượng lạm thu, chi sai quy định hay có các dư luận không hay về vấn đề thu, chi tại các trường học...

Hiện, toàn huyện Minh Hóa có 48 trường học (trong đó có 19 trường mầm non, 14 trường tiểu học (TH), 8 trường trung học cơ sở (THCS), 4 trường TH và THCS, 2 trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú). Để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành tổ chức rà soát lại toàn bộ GV các cấp học từ mầm non đến phổ thông, đánh giá lại năng lực thực tế của GV thông qua nhiều cách khác nhau để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng GV về mọi mặt, đặc biệt là đối với GV TH và THCS.

Nhiều trường học ở các xã vùng biên giới huyện Minh Hóa được xây mới, đưa vào sử dụng trong năm học mới.

Mặt khác, huyện cũng chú trọng đến công tác tuyển dụng biên chế đội ngũ GV, trước mắt là bảo đảm đủ GV để bố trí giảng dạy tại các cơ sở giáo dục; thực hiện rà soát, xây dựng đề án, lộ trình sắp xếp lại quy mô trường lớp, nhất là các trường có quy mô nhỏ lẻ, manh mún; từng bước sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của HS và tiết kiệm ngân sách đầu tư, cơ bản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi có được, hiện ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa vẫn đang gặp phải một số khó khăn, như: Đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên các cấp học vẫn còn bất cập về số lượng, cơ cấu. Tình trạng thiếu GV do việc tinh giản biên chế đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục trên địa bàn. Tỷ lệ GV đứng lớp ở nhiều trường học vẫn chưa đạt theo quy định để bảo đảm việc tổ chức dạy học có hiệu quả, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; thiếu biên chế phải ghép lớp nên số HS trong mỗi lớp đông, vượt quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Đặc biệt, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm GV hợp đồng môn Tiếng Anh, Mỹ thuật (do không có GV để hợp đồng và có 1 số GV chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ theo yêu cầu)...

Tác giả: Văn Minh

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP