Đường vào cụm công nghiệp chế biến đá siêu mịn tại xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp)
Dù được hình thành từ khoảng 6 đến 7 năm trước nhưng cụm công nghiệp này không được quy hoạch khu vực tập kết chất thải rắn. Vì thế, một lượng chất thải là đá vôi, đá hoa được các xưởng chế biến thải ra từ nhiều năm nay được các chủ xưởng đổ bừa bãi dọc hai bên đường. Dọc hai bên đường vào cụm công nghiệp này là những đống bột đá vôi thải cao vút đến đầu người. Theo phản ánh, trời mưa thì nước bột đá chảy tràn khắp nơi, hòa vào nước khe suối tràn vào các khu vườn, tràn qua nhiều đồi canh tác của nhiều hộ dân xã Thọ Hợp gây ô nhiễm nguồn nước và đất canh tác. Còn ngày nắng thì con đường vào cụm công nghiệp phủ đầy một lớp bụi đá trắng dầy hàng chục cen ti mét, khi xe cộ qua lại cuốn một lớp bụi mù bao quanh cả khu vực.
Đường vào cụm công nghiệp chế biến đá siêu mịn tại xã Thọ Hợp (huyện Quỳ Hợp)
Anh Vi Văn T, người dân xã Thọ Hợp, phản ánh: “Hàng ngày tôi hay đi qua con đường này vào bứt cỏ trong núi về cho trâu bò ăn. Ô nhiễm lắm, các chất thải là bột đá được các chủ xưởng đổ bừa bãi, tiện đâu họ đổ đó nên ngày nắng thì bụi mù, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt. Chúng tôi cũng có ý kiến với các chủ xưởng nhưng hầu như họ không quan tâm đến ý kiến của dân”.
Chất thải rắn được đổ bừa bãi khắp nơi
Theo chỉ dẫn của anh T, chúng tôi vào thị sát tại xưởng chế biến đá đề biển hiệu là Công ty Ngọc Thạch Sơn. Theo quan sát, xưởng chế biến bột đá của đơn vị này rộng khoảng vài nghìn mét vuông, hòa lẫn tiếng cưa nghiền đá xoèn xoẹt là bụi bặm bay mù mịt bao phủ khắp nơi.
Quan sát phía sau của xưởng này chúng tôi hết sức bất ngờ khi nước chế biến đá trắng đục bị đơn vị này cho chảy tràn vào một vườn keo và sắn gần đó.Khi đặt câu hỏi với người quản lý của đơn vị này thì chỉ nhận được câu trả lời hết sức hồn nhiên: “Đất đó là đất của chúng tôi nên chúng tôi sử dụng làm nơi xả thải. Có sao đâu?”.
Nước thải đen đặc được nhiều xưởng xem nhẹ xử lý
Rời xưởng Công ty Ngọc Thạch Sơn, chúng tôi vòng quanh quan sát thêm một số đơn vị như Công ty xay đá siêu mịn Thọ Hợp hay một vài xưởng lớn nhỏ khác không đề biển hiệu. Hầu hết các xưởng nói trên đều không có hệ thống xử lý nước thải và nơi tập kết chất thải rắn, hoặc có cũng chỉ vài bể lắng sơ sài sau đó múc chất thải lên phơi bừa bãi khắp nơi quanh các xưởng chế biến này.
Một xưởng chế biến đá siêu mịn tại Thọ Hợp bụi đá trắng xóa bao phủ - rất mất an toàn vệ sinh lao động
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, sở dĩ chất thải rắn được các doanh nghiệp xử lý theo kiểu “mạnh ai nấy làm” là vì một số cụm công nghiệp được mọc lên tự phát hoặc có quy hoạch nhưng do cơ quan chức năng không bố trí được nơi tập kết, xử lý chất thải. Vì thế, để giải quyết vấn đề nêu trên các doanh nghiệp phải tự giải quyết bằng cách…đổ thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Nước thải của Công ty Ngọc Thạch Sơn thải ra bãi sắn và vườn keo ngay phía sau xưởng chế biến đá
Theo một cán bộ UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện này cũng đã nhận thức được vấn đề ô nhiễm môi trường do không có bãi tập kết, xử lý chất thải rắn công nghiệp như đã phản ánh ở trên. Vì thế, từ vài năm trước huyện đã có quy hoạch một khu vực gần Thung Khuộc để làm bãi rác thải rắn. Tuy nhiên, hiện đang vướng vấn đề GPMB nên tạm thời chưa triển khai được.
Tác giả bài viết: Phạm Tuân