Trong nước

Quy định không ghi âm ghi hình : Hà Nội có “chống lệnh” Thủ tướng?

Quy định của Hà Nội hoàn toàn không trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này để bảo đảm việc thực thi công vụ và quyền lợi của người dân. Nó là sự bình đẳng giữa hai bên, đã ghi âm, ghi hình thì phải công khai, thể hiện theo trình tự quy định của pháp luật.

LS Nguyễn Chiến: Quy định của Hà Nội không quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân khi chưa xin phép không trái với ý kiến chỉ đạo "tiếp dân phải ghi âm, ghi hình" của Thủ tướng.

Cán bộ tiếp dân cũng là …người dân!

Trả lời câu hỏi của phóng viên Infonet, Hà Nội có “chống lệnh” của Thủ tướng hay không khi ông chỉ đạo “tiếp dân phải ghi âm, ghi hình” ( Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019 diễn ra chiều 8/1 – PV), trong khi Hà Nội lại quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân khi chưa xin phép”, chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) khẳng định: “Quy định của Hà Nội hoàn toàn không trái với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”.

Bởi theo Luật sư Chiến, quy định này để bảo đảm việc thực thi công vụ và quyền lợi của người dân. Nó là sự bình đẳng giữa hai bên, đã ghi âm, ghi hình thì phải công khai, thể hiện theo trình tự quy định của pháp luật.

“Khi công dân đến giải quyết khiếu kiện hành chính, có thông báo sẽ ghi âm, ghi hình công khai, minh bạch thì cơ quan, tổ chức và cán bộ tiếp công dân không có lý do gì từ chối. Họ phải bảo đảm và tạo điều kiện cho công dân để thực hiện việc ghi âm, ghi hình, thực hiện mục đích giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan công quyền, bảo đảm giải quyết sự việc công tâm, đúng pháp luật. Cán bộ không được từ chối, né tránh, hời hợt hoặc có thái độ hách dịch”, Luật sư Chiến bày tỏ.

Thừa nhận việc việc người dân thực hiện quyền giám sát “là hoàn toàn đúng” khi quay phim chụp ảnh cán bộ tiếp dân, tuy nhiên ông Chiến cho rằng “phải có sự thông báo” bởi “họ cũng là người dân, được Hiến pháp bảo vệ”.

Do đó, “việc người dân muốn ghi âm, ghi hình thì phải thông báo trước một cách công khai để sử dụng vào mục đích hợp pháp. Công dân mang lợi ích hợp pháp của mình ra sử dụng vào mục đích không hợp pháp thì sẽ xâm phạm đến quyền lợi của người khác”.

“Nếu tất cả được thực hiện công khai, minh bạch, Hiến pháp sẽ được thực thi, pháp luật sẽ được tôn trọng và quyền của công dân đi thực hiện khiếu nại, tố cáo cũng như người cán bộ tiếp dân sẽ được bảo đảm”, ông Chiến nhấn mạnh.

Quy định không hạn chế quyền của người dân

Không đồng tình với một số ý kiến cho rằng, Quy định của Hà Nội không phù hợp với các quy định hiện hành và hạn chế quyền công dân, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, Quyết định số 12/QĐ-UBND được ban hành căn cứ trên cơ sở Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.

Theo đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP quy định một trong những trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập là phải ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân. Do vậy, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành nội quy tiếp công dân là thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 64/2014/NĐ-CP.

Đối với luận điểm vi hiến, hạn chế quyền công dân, ông Chiến cho rằng “cần phải xem xét nghiên cứu dưới hai góc độ”.

Thứ nhất, việc tiếp công dân là trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm của cán bộ tiếp dân. Công dân đến trụ sở tiếp công dân để giải quyết việc liên quan đến mối quan hệ pháp luật hành chính mà họ có khiếu kiện, yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước phải xem xét giải quyết. Đó là quan hệ pháp luật hành chính giữa người dân và cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh đó phát sinh việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình thì không nằm trong điều chỉnh của luật về giải quyết quan hệ hành chính liên quan đến quyền lợi người dân, mà đa số được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân. Việc ghi âm, ghi hình liên quan đến quan hệ pháp luật thuộc quy định của Luật Dân sự và Hiến pháp điều chỉnh.

“Bởi vậy, nếu thực hiện quan hệ pháp luật hành chính nhưng đồng thời thực hiện quan hệ khác thì phải nghiên cứu Hiến pháp, bảo đảm quyền bình đẳng mọi công dân với nhau.

Nhà nước bảo đảm quyền công dân nhưng quyền đó không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người khác. Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội cũng như nội quy, quy chế tiếp dân của Chính phủ và các cơ quan trung ương đều khẳng định, việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của người được ghi âm, ghi hình.

Do đó, với quy định này, công dân hoàn toàn không bị hạn chế quyền của mình mà việc ban hành quy định chỉ để bảo đảm quyền chung của người dân”, Luật sư Nguyễn Chiến bày tỏ.

Trả lời câu hỏi, hành vi tung clip lên mạng vì mục đích tiêu cực đã bị chế tài bởi quy định Luật An ninh mạng nên việc quy định trong nội quy tiếp công dân có còn cần thiết, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, “quyền của người dân cần phải được bảo đảm ngay từ đầu. Bởi khi cán bộ tiếp dân bị xâm phạm, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý theo Luật An ninh mạng danh dự, uy tín của họ đã bị ảnh hưởng ... Cho nên cần có sự công khai, rõ ràng về mọi thông tin, như ngày giờ, địa điểm, danh tính người ghi âm, ghi hình, người bị ghi âm, ghi hình và toàn bộ nội dung... để nếu sau này băng ghi âm, ghi hình có bị phát tán vào những mục đích khác sẽ có căn cứ để xử lý. Còn đương nhiên, nếu người dân dùng với mục đích để giám sát thì không có vấn đề gì.

Tác giả: N. Huyền

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP