Tin địa phương

Quảng Bình: Tập trung hỗ trợ người lao động tìm được nghề và việc làm phù hợp

Tỉnh Quảng Bình tập trung hỗ trợ người lao động tìm được nghề, việc làm phù hợp thông qua việc triển khai hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề...

Năm 2022, toàn tỉnh Quảng Bình đã giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó trên 4.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 108% kế hoạch năm); toàn tỉnh có trên 6.038 lượt khách hàng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng doanh số cho vay ước đạt 302,048 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.200 người lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 2,9%.

Theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình, đầu năm 2023, số lượng người lao động ở Quảng Bình có nhu cầu tìm kiếm việc làm khá cao, trong đó có không ít lao động làm việc ngoại tỉnh, nay về quê nghỉ Tết và quyết định ở lại quê hương tìm việc làm phù hợp. Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã triển khai tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu đầu năm với sự tham gia của 19 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, có nhu cầu tuyển dụng gần 3.000 lao động, trong đó tập trung vào ngành may mặc, lao động kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, giao thông và du lịch, dịch vụ.

Để người lao động nắm được thông tin về các phiên giao dịch việc làm dịp đầu năm nay, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã tích cực tuyên truyền trên các website, fanpage, gửi văn bản về UBND các xã, phường để thông báo rộng rãi cho người dân có nhu cầu biết để được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp có uy tín.

Tại phiên giao dịch việc làm đầu năm, có 3 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến để thu hút 1.283 lao động vào làm việc trong lĩnh vực gỗ nội thất, may mặc... Mức lương trả cho lao động mà các doanh nghiệp cam kết từ 6 - 20 triệu/tháng.

Trong các tháng tiếp theo của năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình tiếp tục triển khai công tác tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm, xuất khẩu lao động và du học đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, đã có 13.096 lượt người được tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm, xuất khẩu lao động và du học. Trong đó đã có 1.447 người được giới thiệu cung ứng việc làm.

Số liệu 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình đã tổ chức được 23 phiên giao dịch, tăng 43,75% so với cùng kỳ năm 2022 với sự tham gia tuyển dụng của 100 doanh nghiệp và hơn 800 lao động. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình cũng đã phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức phỏng vấn và tuyển dụng nhiều lao động đi nước ngoài với đa dạng các ngành nghề khác nhau; đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu người lao động đi làm việc tại các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary, Ba Lan…

Trước làn sóng cắt giảm lao động gia tăng do doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình cũng đã phối hợp với phòng lao động các địa phương triển khai nhiều chương trình tư vấn giới thiệu việc làm cho quân nhân, bộ đội xuất ngũ; tham gia thao giảng nội dung thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm và định hướng nghề nghiệp cho chị em phụ nữ. Tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người lao động, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Minh Hóa…

Theo Kế hoạch số 171/KH-UBND về việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 là bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 18.000 - 18.500 lao động, trong đó có 3.600 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 3.000 lao động được tạo việc làm thông qua các dự án, mô hình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Hàng năm đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.

Đến năm 2025, tỉnh đạt tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2,0%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp dưới 35%. Tỉnh Quảng Bình cũng tập trung thực hiện mục tiêu đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin, cụ thể: Có 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm. Có 40% lao động được hệ thống trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên địa bàn tư vấn, giới thiệu có việc làm.

Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 là bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 18.500 - 19.000 lao động, trong đó có 3.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 4.000 lao động được tạo việc làm thông qua các dự án, mô hình vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Hàng năm đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 30% lực lượng lao động. Từ năm 2026 trở đi, đưa cơ sở dữ liệu vào hệ thống phần mềm quốc gia về lao động nhằm quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Bình tập trung triển khai có hiệu quả chính sách pháp luật liên quan đến phát triển thị trường lao động; tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo việc làm bền vững; thực hiện có hiệu quả các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong, ngoài nước và phát triển các thị trường lao động đặc thù...

Tác giả: Bảo Thoa

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP