Tin địa phương

Quảng Bình: Sở Xây dựng “hiến kế” làm “ấm” lại thị trường bất động sản

TTBĐS Quảng Bình chủ yếu là giao dịch đất nền dự án, mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh khoảng 40-50%. Nhưng, từ năm 2021 đến nay, lĩnh vực này giảm mạnh.

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã đưa ra các phân tích về thị trường bất động sản (TTBĐS) trên địa bàn. Đồng thời, lãnh đạo Sở này cũng đưa ra các giải pháp nhằm làm “ấm” lên thị trường đang “đóng băng”.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, tỉnh hiện có 37 dự án bất động sản nhà ở thương mại, khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, có 56 dự án được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho chủ trương triển khai các thủ tục pháp lý, thống nhất chủ trương đầu tư...

Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII.


TTBĐS Quảng Bình chủ yếu là giao dịch đất nền dự án, mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh khoảng 40-50%. Giai đoạn 2016-2020, TTBĐS trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, lĩnh vực này có xu hướng giảm mạnh.

Thực tế những tháng gần đây, nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ đấu giá thành công dưới 10% tổng số lô đưa ra đấu giá, một số trường hợp thậm chí không đấu giá thành công lô nào.


Tình trạng này cũng thể hiện trong nguồn thu thuế của tỉnh Quảng Bình năm 2023. Theo ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình, tiền thu thuế đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước thực hiện được 260 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán trung ương giao, đạt 76% dự toán tỉnh giao, bằng 56,7% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng.

Về thu tiền sử dụng đất ước thực hiện được 2.100 tỷ đồng, đạt 70% dự toán tỉnh giao và chỉ bằng 41,7% so với năm 2022, hụt 900 tỷ đồng. “Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản trầm lắng, việc tổ chức đấu giá các dự án gặp nhiều khó khăn và không thành công”, ông Tuyến nói.

Từ năm 2021 đến nay, các giao dịch bất động sản tại Quảng Bình có xu hướng giảm mạnh.

Ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng TTBĐS “đóng băng”. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu do xu hướng điều chỉnh của TTBĐS sau một thời gian dài tăng “nóng” (mỗi năm giá BĐS tăng khoảng 30% khiến giá trị BĐS đã vượt xa giá trị thật).

Kèm theo đó, một số vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời; nguồn vốn của các công ty, doanh nghiệp bị thu hẹp trong năm vừa qua. Ngoài ra, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh; quan hệ cung-cầu liên quan đến TTBĐS chênh lệch khiến cho giá BĐS chưa hợp lý.

Để làm “ấm” lại TTBĐS, tỉnh đã chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp cân đối lại nguồn vốn từ các dự án, kéo dài phân kỳ đầu tư, cơ cấu lại khâu tổ chức, kế hoạch kinh doanh.

Tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ quan tâm, hỗ trợ để doanh nghiệp cũng như khách hàng vay vốn kinh doanh BĐS; nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu; kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán nhằm tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá...

Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh BĐS, dự án BĐS có vi phạm về xây dựng; kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh BĐS qua sàn giao dịch…

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn



BÀI MỚI ĐĂNG


TOP