Tin địa phương

Quảng Bình: Rừng đệm di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng bị "xẻ thịt"

Vùng rừng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trên địa bàn xã Thượng Hóa, (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang bị lâm tặc vào xẻ thịt mà cơ quan chức năng không hề hay biết.

Đường vận chuyển gỗ sát nách trạm bảo vệ rừng

Theo phản ánh của người dân địa phương xã Thượng Hóa về tình trạng phá rừng lấy gỗ trên địa bàn thôn Phú Minh. Để ghi nhận thực hư về thông tin này, PV Infonet đã vào rừng để tận mắt chứng kiến thực trạng.

Bìa gỗ nằm ngổn ngang trong rừng.

Theo phản ảnh của người dân nơi đây, trên địa bàn thôn Phú Minh có rừng của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, rừng Chi nhánh Lâm trường Minh Hóa (gọi tắt rừng Lâm trường) và rừng cộng đồng do xã quản lý. Trong đó, rừng lâm trường và rừng cộng đồng hằng ngày bị “lâm tặc” ra, vào để đốn hạ gỗ vận chuyển ra ngoài bán.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm vào địa phận rừng Lâm trường quản lý. Cạnh Trạm bảo vệ rừng Thượng Hóa (đơn vị của Lâm trường Minh Hóa) dưới chân đèo Đá Đẽo, có một con đường mòn băng qua khu rừng trồng và cắt ngang suối đi vào rừng sâu. Dọc đường đi, những rãnh sâu do gỗ kéo bằng trâu in hằn trên nền đất.

Vào chừng 4-5km, có nhiều lối nhỏ khác nhau, chúng tôi men theo một lối mới được phát quang ít ngày, lá rừng đang héo úa. Con đường mới phát quang chia làm 2 hướng, một hướng lên phía đỉnh núi và một hướng đi ngang sườn núi. Đi hết 2 con đường mới này đều dẫn chúng tôi đến những vùng có cây gỗ bị chặt hạ.

Nhiều cây gỗ lớn chỉ còn ngọn và bìa.

Những gốc cây có đường kính từ 40 – 60cm bị đốn hạ, phần thân cây gỗ bị cưa xẻ thành hộp rồi vận chuyển ra khỏi rừng. Dưới gốc cây, nhiều tấm bìa, ngọn, cành ngổn ngang từng đám lớn. Những cây bị đốn, mất bóng cây lộ ra một khoảng trời lớn.

Ở đỉnh núi, “lâm tặc” thả gỗ lao xuống dốc theo hướng định sẵn, khi hết dốc họ sẽ phát đường và dùng trâu để kéo ra ngoài. Bởi vậy để tiết kiệm thời gian và công sức phát đường, “lâm tặc” thường khai thác nhiều cây gỗ cùng thời điểm trong một khu vực gần nhau.

“Làm đường trâu kéo gỗ ra cũng mất nhiều thời gian, nên họ khai thác những cây gỗ tốt xung quanh đó luôn, nếu không người khác sẽ vào đó khai thác mà không mất nhiều công mở đường”, một người dân cho biết.

Một ngọn cây gỗ có đường kính khoảng 60cm bị bỏ lại.

Gỗ rừng lâm trường khai thác vùng này được đưa ra ngoài theo một con đường duy nhất. Con đường đó nằm cạnh Trạm Bảo vệ rừng Thượng Hóa để ra đường mòn Hồ Chí Minh rồi vận chuyển lên xe kéo đưa về nhà dân cất giữ.

Gỗ rừng cộng đồng thì phải… gùi

Ra khỏi rừng Lâm trường, chúng tôi tiếp tục lên gần đỉnh đèo Đá Đẽo.

Trong khoảng km 920 -921 đường Hồ Chí Minh có một số con đường mòn dẫn vào rừng Cộng đồng do xã Thượng Hóa quản lý. Chúng tôi vào theo lối mòn sát cột mốc 921 chừng 700 -800m thì không còn đường mòn nữa, mà phải rẽ lối để đi. Lối đi trong rừng cũng được hình thành khi một số cây bị nhỏ bị phát chặt ngang thân.

Chúng tôi xuống đến một con suối cạn nước, có một khúc cây gỗ chỉ còn cành ngọn nằm chắn ngang. Bên cạnh phần ngọn cây có đường kính khoảng 50cm là một khu vực rộng lớn để ngổn ngang những tấm gỗ đã cưa xẻ (dài 2m, dày 10 đến 15 cm) mà lâm tặc chưa kịp mang ra hết xen lẫn với những tấm bìa.

Cạnh cây gỗ lớn nằm trên suối, gần đó có 3 cây “lâm tặc” đã khai thác và đưa gỗ ra hết, chỉ còn trơ lại gốc và bì vỏ, ngọn cành.

Một gốc cây vừa bị cưa hạ ít ngày trước.

“Gỗ rừng cộng đồng đang còn nhiều, và cây lớn nhưng “lâm tặc” phải cưa xẻ ngắn và nhỏ để gùi trên lưng mang ra. Bên rừng này họ không cho kéo trâu bởi 2 lý do: để lại đường mòn, và dễ trả lời “dân lén lút làm trộm nhỏ lẻ” – một người dân kể lại.

Lâm tặc khai thác gỗ trong rừng Cộng đồng nếu làm gần đường Hồ Chí Minh thì phải cưa vào ban đêm, còn đi vào sâu có thể cưa xẻ ban ngày. Cưa xẻ xong, một người dùng dây thường buộc vào gỗ rồi gùi trên vai cõng về.

Anh T. một người khai thác gỗ ở thôn Phú Nhiêu cho biết: “Gỗ đang tươi nên nặng lắm, người nào gùi giỏi thì được 1 tấc (0,1m3) hoặc hơn tí thôi. Thường trên này (thôn Phú Minh và Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa), người dân đi khai thác gỗ thuê, mỗi chuyến gỗ cắt xong mang về được trả khoảng 700-800 nghìn đồng. Hoặc ai đặt gỗ thì mình đi làm cho họ”.

Gỗ lâm tặc chưa vận chuyển ra hết, đang còn trong rừng.

Theo anh T. cuộc sống người dân ở đây phụ thuộc vào rừng, phụ nữ đi lấy lá nón, đàn ông đi làm gỗ lậu, khi nào cơ quan cấm nghiêm ngặt thì ở nhà nghỉ. Diện tích rừng trồng được ít, đất hoa màu không có nên thiếu ăn phải vào rừng làm gỗ bán.

Cơ quan chức năng không biết?

Việc rừng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở khu vực bắc đèo Đá Đẽo bị "xẻ thịt" đã tồn tại từ lâu, khiến nhiều người dân địa phương bức xúc, phản ánh đến báo chí. Mặc dù trên địa bàn xã Thượng Hóa có rất nhiều trạm như trạm Kiểm lâm Minh Hóa, trạm Bảo vệ rừng Minh Hóa, trạm bảo vệ rừng Vườn Quốc gia PN-KB,... và nhiều chốt của các lực lượng chức năng nhưng vẫn không phát hiện và ngăn chặn hoạt động khai thác gỗ ở nơi đây.(?)

Ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Minh Hóa cho biết “Trạm bảo vệ rừng ở Thượng Hóa có 4 người bảo vệ gần 2,2 nghìn héc-ta rừng khu vực giáp ranh 3 huyện nên cũng rất vất vả. Sau khi nghe thông tin từ báo chí, chúng tôi sẽ tổ chức đi kiểm tra và báo cáo lại khi có kết quả”.

Đường kéo gỗ trong lâm phận rừng Chi nhánh Lâm trường Minh Hóa quản lý.

Hạt kiểm lâm huyện Minh Hóa cho rằng việc để lâm tặc vào khai thác gỗ là do chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác ngăn chặn, bảo vệ. Ông Trần Mạnh Luật – Hạt trưởng cho biết chưa nghe thông tin từ chủ rừng báo cáo. Tiếp thu thông tin, Hạt sẽ phối hợp với các chủ rừng kiểm tra sau đó sẽ có hướng xử lý.

Còn ông Trần Quang Đảm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình khẳng định không có buông lỏng trong quản lý. “Công tác lâm nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn, thu nhập của anh em còn thấp nên nhiều người trong công ty đã bỏ việc. Do thu nhập thấp, nên ngoài nhiệm vụ phải làm cũng không thể đòi hỏi trách nhiệm cao trong công việc của các anh em được. Việc lâm tặc khai thác rừng thì vẫn còn diễn ra, còn công tác quản lý chúng tôi làm chặt chẽ không có chuyện buông lỏng quản lý để mất rừng được”.

Rừng khu vực đèo Đá Đẽo có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, vùng đệm của rừng Di sản thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Thế nhưng ngày, đêm rừng nơi đây vẫn bị lâm tặc "xẻ thịt" mà không bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn.

Tác giả: Thanh Hà - Đặng Sơn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP