Tin địa phương

Quảng Bình: Nhiều dự án năng lượng tái tạo bị chồng lấn diện tích

Gần đây, có nhiều nhà đầu tư (NĐT) tìm đến Quảng Bình để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo với quy mô lớn. Vậy nhưng, khi NĐT đề xuất phạm vi và diện tích khảo sát nghiên cứu lập dự án chỉ có diện tích mà không xác định vị trí tọa độ cụ thể nên đã xảy ra tình trạng chồng lấn diện tích.

Quảng Bình đang là điểm đến của các NĐT năng lượng tái tạo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án đã thực hiện đầy đủ hồ sơ khảo sát, khoanh vùng thực hiện dự án; 3 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận địa điểm khảo sát, gồm: Dự án Trang trại điện gió B&T của Cty CP B&T có công suất 252 MW; Dự án Tổ hợp điện năng lượng tái tạo của Tập đoàn Dohwa có công suất giai đoạn I là 49,5 MW; Dự án nhà máy Điện mặt trời của Cty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có công suất 50 MW; Dự án điện mặt trời của Cty CP XD Trường Xuân có công suất 200 MW. Và 3 dự án khác dự kiến giới thiệu cho các NĐT nghiên cứu.

Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh Quảng Bình báo cáo về tình hình giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát các Dự án năng lượng tái tạo tính đến ngày 31/7/2018, cho thấy có vướng mắc: Với dự án Trang trại điện gió B&T của Cty CP B&T là dự án đầu tư nước ngoài có công suất 252 MW vốn đầu tư 493 triệu USD của Tập đoàn Ayala Philippine, đăng ký khảo sát từ tháng 12/2017 với vị trí tại các xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), diện tích khảo sát 2.350 ha.

Hiện nay địa điểm đề xuất khảo sát khu vực 4 với diện tích 729 ha của dự án Trang trại điện gió B&T trong hồ sơ xin bổ sung quy hoạch điện gió quốc gia bị chồng lấn lên phần diện tích đã giới thiệu cho các dự án điện mặt trời và đất quy hoạch khai thác titan. Cụ thể: Khu quy hoạch khai thác Titan 250ha; Dự án điện mặt trời Sơn Hải 25/70 ha; Khu vực đã giới thiệu cho Cty Trường Xuân 125/300ha và 580ha dự kiến phát triển các giai đoạn tiếp theo 500 MW điện mặt trời của Tập đoàn Dohwa đã đăng ký.

Nguyên nhân chồng lấn do NĐT đề xuất các khu vực khảo sát thực tế xin bổ sung Quy hoạch vượt ra ngoài phần diện tích và phạm vi đăng ký xin khảo sát ban đầu; NĐT đề xuất phạm vi và diện tích khảo sát nghiên cứu lập dự án chỉ có diện tích mà không xác định vị trí tọa độ cụ thể nên dễ bị chồng lấn.

Trước vấn đề này, lãnh đạo các địa phương liên quan đã có ý kiến góp ý trong phương án xử lý chồng lấn. Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng: “Đề nghị NĐT tôn trọng Quy hoạch xây dựng vùng ven biển hai huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 và Quy hoạch chung đô thị Kiến Giang đến năm 2035: hạn chế điều chỉnh quy hoạch dự án Trang trại điện gió B&T vì có chồng lấn vào quy hoạch đất phát triển đô thị. Dự án này nên điều chỉnh khu vực thực hiện về vị trí các xã Sen Thủy, Thái Thủy”.

Cùng với đó ông Lê Ngọc Huân - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cũng đề xuất: “Cần điều chỉnh vị trí chồng lấn của dự án trên với vùng quy hoạch Khu công nghiệp Dinh Mười tại xã Gia Ninh đã phê duyệt từ năm 2015 sang vị trí khác để không bị ảnh hưởng”.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng nêu quan điểm: “Thời gian gần đây, Quảng Bình được nhiều NĐT quan tâm, xin khảo sát để đầu tư các dự án năng lượng như điện gió, điện mặt trời. Đây là tín hiệu mừng, cho các địa phương ven biển như huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh. Hiện UBND tỉnh đang tiến hành rà soát lại tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Quảng Bình, để giới thiệu cho những NĐT có năng lực thật sự, đã và đang triển khai dự án tại Việt Nam”.

Kiểm tra thực địa các địa điểm đề xuất khảo sát các dự án năng lượng tái tạo ven biển Quảng Bình trên Google Earth.

Việc địa điểm đề xuất khảo sát khu vực 4 với diện tích 729 ha của dự án Trang trại điện gió B&T trong hồ sơ xin bổ sung quy hoạch điện gió quốc gia bị chồng lấn lên phần diện tích đã giới thiệu cho các dự án điện mặt trời và đất quy hoạch khai thác titan. UBND tỉnh Quảng Bình đang lập phương án giải quyết vướng mắc trên, tạo điều kiện thuận lợi để NĐT tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP