Tin địa phương

Quảng Bình: Mới 2 năm sử dụng, đường BOT nghìn tỉ xuất hiện "sống trâu" dày đặc

Tuyến đường Quốc lộ 1A tránh lũ đi qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) mới đưa vào sử dụng 2 năm, nhưng nền đường bị lún hằn vệt bánh xe, gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.

Sử dụng 2 năm đường đã xuống cấp

Tuyến đường Quốc lộ 1A tránh lũ được đầu tư theo phương thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Cty Trường Thịnh) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Tuyến đường có chiều dài 33,05km, điểm đầu từ Km 672+600 huyện Quảng Ninh đến Km 705+604,9 xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy.

Công trình thi công từ 1/9/2013 đến ngày 2/6/2015 chính thức thông xe đưa vào sử dụng.

Đường QL 1A tuyến tránh lũ ở Quảng Bình được đầu tư theo phương thức BOT.

Tuy nhiên, sau khi công trình giao thông này đưa vào sử dụng, trên tuyến đường liên tục xảy ra hiện tượng mặt đường hằn lún vệt bánh xe, gây thành rãnh lồi lõm theo suốt tuyến.

Những vệt hằn lún mặt đường gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên tuyến, nhất là các phương tiện xe máy khi tránh vượt hay chuyển làn xe.

Chị Vy Thị Hương (người sống gần tuyến đường) cho biết: “Tuyến đường vượt lũ chủ yếu các phương tiện ô tô đường dài qua lại nên cũng không nhiều bằng các tuyến QL1A mở rộng. Nhưng chất lượng đường tuyến này thì khác các đoạn khác nhiều. Nhìn vào đường QL1A Sơn Hải (Tập Đoàn Sơn Hải-Quảng Bình) nhận bảo hành 5 năm mà mặt đường phẳng lì, trong khi đó đường này mới sử dụng 2 năm mà cào lên cào xuống vẫn không hết hằn lún”.

Các tài xế rất bức xúc khi đi qua đoạn đường này phải trả phí nhưng chất lượng đường rất xấu.

Nền đường tránh lũ bị hằn lún vệt bánh xe kéo dài suốt tuyến.

“Tôi chạy xe chở hàng từ Nam ra Bắc nên chứng kiến nhiều đoạn đường bị hằn lún, trong đó có tuyến đường tránh lũ ở Quảng Bình. Con đường tránh lũ mới sử dụng nhưng nền bị hằn lún nhiều.

Họ sửa chữa cũng chỉ đối phó bằng cách bóc tách sống trâu mặt đường. Khi nền đường yếu thì sau vài ngày xe chạy, mặt đường lại bị hằn lún trở lại thôi”- anh Nguyễn Hoàng Anh trú tại xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) cho biết.

Để khắc phục, sửa chữa nền đường xuống cấp Cty Trường Thịnh đã cho máy và nhân công cào bốc những đoạn hằn sâu. Đây là cách khắc phục tạm thời, bởi những vị trí xóa các “sống trâu” cũ thì “sống trâu” mới lại xuất hiện.

Để khắc phục, nhà đầu tư Cty Trường Thịnh cho máy và công nhân cào xóa các “sống trâu”.

Trạm thu phí sai vị trí

Cty Trường Thịnh cũng là đơn vị đầu tư tuyến tránh thành phố Đồng Hới theo hình thức BOT. Để thu hồi vốn, Cty Trường Thịnh đã sử dụng trạm BOT cũ của Bộ GTVT thu phí Quán Hàu để sử dụng.

Tháng 9/2010, Bộ GTVT đã dừng trạm thu phí cầu Quán Hàu trên QL1A để giao cho Cty Trường Thịnh thu hồi vốn BOT tuyến tránh TP Đồng Hới. Đến năm 2015 trạm thu phí Quán Hàu được Cty Trường Thịnh bán vé thu hồi vốn cho cả tuyến đường QL1A vượt lũ.

Vị trí trạm thu phí BOT đặt trên QL1A cũ nên nhiều người dân phản ánh họ không sử dụng 2 tuyến đường BOT nhưng vẫn phải đóng phí, nên người dân đã nhiều lần mang xe đến phản đối tại trạm.

Trước tình đó, Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương miễn giảm vé qua trạm Quán Hàu cho người dân địa phương. Đến ngày 1/8/2017, gần 10.000 phương tiện được miễn phí gồm xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP Đồng Hới.

Trạm thu phí BOT Quán Hàu đặt trên QL1A cũ, như rào cản vô hình với phát triển du lịch 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy .

Việc miễn giảm phí để nhằm xoa dịu dư luận, bởi hằng ngày rất nhiều phương tiện sử dụng đường QL1A cũ cũng phải đóng phí cho dự án BOT.

Anh Tiến Dũng cho biết, “gia đình tôi ở thị trấn Hoàn Lão, nhà có xe riêng nên mỗi lần gia đình đi thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đi viếng chùa Hoằng Phúc đều không sử dụng đường BOT. Chúng tôi không sử dụng mà bắt chúng tôi đóng phí là vô lý. Cần xây dựng vị trí đặt trạm thu phí để thu đúng đối tượng sử dụng đường BOT”.

Trạm BOT Quán Hàu đặt trên QL1A cũ, cũng giống như rào cản vô hình hạn chế các phương tiện chở khách du lịch ngoài địa phương đến Quảng Bình tiếp cận với các di tích, thắng cảnh ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Anh Pham Anh Quỳnh (thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh) chở khách du lịch tâm sự: “Mỗi lần vào Quảng Bình thì khách chủ yếu đi hang động, rồi về Đồng Hới. Còn vào Lệ Thủy thì rất ít, bởi các tài xế cả đi và về mất 2 lượt vé qua trạm phí, nên chúng tư vấn để khách thay đổi địa điểm tham quan tại Đồng Hới rồi quay về”.

Tác giả: Thanh Hà - Đặng Sơn

Nguồn tin: Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP