Tin địa phương

Quảng Bình: "Ép” cả nghìn giáo viên đi học bồi dưỡng trái quy định?

Lấy lý do cấp trên chỉ đạo, UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã làm công văn bắt buộc hơn 1.000 giáo viên trong biên chế ở địa phương phải đăng ký đi học, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp. Khiến giáo viên nghèo nơi đây “khóc ròng” khi không có nhu cầu bồi dưỡng, thăng hạng...

Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên các cấp học là chủ trương đúng đắn của liên bộ Bộ giáo dục đào tạo và Bộ nội vụ tại các Thông tư 20, 21, 22/2015. Tuy nhiên, khi triển khai về các địa phương đã bộc lộ những bất cập. Như tại tỉnh Quảng Bình, một số huyện không bắt buộc, nhưng với huyện miền núi Tuyên Hóa thì lại ra công văn yêu cầu giáo viên trong biên chế phải đăng ký tham gia, với học phí mỗi người 2,5 triệu đồng cho 240 tiết học.

Giáo viên “khóc ròng” khi bị ép

Vừa khai giảng năm học 2018 - 2019 được mấy ngày, Hiệu trưởng ở hầu hết các trường học trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa ngỡ ngàng khi nhận được “trát” của Phòng nội vụ huyện, yêu cầu lập danh sách giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng 3, hạng 2. Công văn số 79/PNV do Phó trưởng phòng nội vụ ký ngày 10/9/2018 đã in đậm dòng chữ “là yêu cầu bắt buộc” đã khiến không chỉ Hiệu trưởng các trường và giáo viên nơi đây bức xúc.

Hiệu trưởng T (đề nghị dấu tên) bức xúc “Qua thực tế đặc thù nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề còn bất cập. Thứ nhất: Việc bồi dưỡng chứng chỉ chỉ dành cho những ai có nhu cầu thăng hạng, hoặc cần có chứng chỉ bồi dưỡng. Nay huyện yêu cầu phải đào tạo gần như 100% giáo viên trên địa bàn huyện theo kiểu đại trà là không đúng. Trong khi 80% giáo viên ở huyện đã được xếp hạng từ lâu và chưa có lên hạng tiếp. Thứ hai: Học phí quá cao! Chỉ đào tạo 240 tiết mà thu 2,5 triệu/ 1 học viên là quá lớn. Trong khi đa phần giáo viên nghèo, lương thấp”.

Phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa gửi "trát" về các trường học, bắt buộc Hiệu trưởng các trường lập danh sách giáo viên trong biên chế đi học bồi dưỡng, chứng chỉ thăng hạng.

Cô N cũng bức xúc: “Giáo viên chúng tôi hầu hết gia cảnh khó khăn, giờ một tiết học hơn 100 nghìn là không đáp ứng được. 2,5 triệu là gần 1 tháng lương. Trong lúc Tuyên Hóa là huyện miền núi nghèo, tổ chức bồi dưỡng hơn 1.000 giáo viên với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng liệu có chấp nhận được không? Trong lúc thực tế nhiều người không có nhu cầu bồi dưỡng, thăng hạng”

Nhiều giáo viên phân tích, việc bắt buộc tất cả các giáo viên trong biên chế phải đăng ký bồi dưỡng là bất hợp lý, khi nhiều giáo viên không có nhu cầu bồi dưỡng, thăng hạng, mà những giáo viên sắp nghỉ hưu thì bắt buộc đi bồi dưỡng để làm gì? Ngoài ra, có nhiều giáo viên nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ cũng phải đăng ký đi học là trái quy định, gây khó khăn cho giáo viên. Chưa nói đến, việc đi học tập trung ở huyện miền núi rất vất vả, liên quan đến việc phải tự túc phương tiện, chỗ ăn, nghỉ trong cả khóa học…

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Không chỉ Phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa có văn bản bắt buộc các giáo viên phải đăng ký bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, mà trước đó, ngày 16/8/2018, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cũng ký văn bản số 483/UBND – NV gửi các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn với yêu cầu tương tự.

Vậy nhưng, khi PV báo Bảo vệ pháp luật làm việc với những người có chức trách ở huyện, thì lại nhận được những ý kiến khác nhau, theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” xung quanh việc bắt buộc hay không bắt buộc các giáo viên phải đi học bồi dưỡng.

Trực tiếp Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cũng ký văn bản với chỉ đạo việc bồi dưỡng, học chứng chỉ thăng hạng là "yêu cầu bắt buộc"

Theo ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng nội vụ huyện, thì huyện Tuyên Hóa thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc giáo viên trong biên chế phải đi học bồi dưỡng là yêu cầu bắt buộc để chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp.

“Cái này là bắt buộc, là chủ trương của tỉnh phải chuẩn hóa. Riêng tiền lệ phí 2,5 triệu là do tỉnh giao Đại học Quảng Bình quy định, các huyện đều đã làm.”- ông Trung nói.

Theo ông Trung, cả huyện hiện có gần 1.100 giáo viên trong biên chế, tất cả phải bồi dưỡng, ngày 06/10 đã khai giảng 2 lớp với 200 học viên, trong đó 100 học viên cấp tiểu học, 100 học viên cấp mầm non.

“Đối với giáo viên sắp về hưu, có thai… huyện đã điện thoại vào Đại học Quảng Bình để xin ý kiến, nhưng họ chưa trả lời, nên huyện vẫn làm theo quy định. Họ không trừ nên mình phải làm đúng, sắp nghỉ hưu cũng phải đi học” – ông Trung khẳng định.

Trong lúc đó, cấp dưới của ông Trung là ông Nguyễn Đức Lợi – Phó phòng nội vụ, người ký công văn số 79/PNV lại cho biết, đối tượng gần về hưu, đang có thai, nuôi con nhỏ thì không bắt buộc đi học.

“Số gần về hưu rồi thì thôi, không phải đăng ký. Cái này Phòng chỉ mới báo cáo lãnh đạo huyện bằng miệng. Người nào 3 , 4 năm nữa về hưu thì không bắt buộc học bồi dưỡng. Những ai bầu bí, nuôi con nhỏ cũng không bắt buộc đợt này” – ông Lợi cho biết.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó phòng nội vụ huyện Tuyên Hóa: "Tôi chỉ tiếp thu công văn của tỉnh và chỉ đạo của lãnh đạo huyện để làm công văn hướng dẫn...”

Nói về công văn mình ký với “yêu cầu bắt buộc” đó, ông Lợi cho biết sẽ có công văn nói rõ từng đối tượng, đối tượng nào có lý do chính đáng và gần nghỉ hưu thì không bắt buộc nữa.

“Ở đây, chỉ bắt buộc theo quy định chứ không bắt buộc tất cả! Tôi sẽ có trách nhiệm hướng dẫn về các hiệu trưởng để hiểu đúng. Tôi chỉ tiếp thu công văn của tỉnh và chỉ đạo của lãnh đạo huyện để làm công văn hướng dẫn” – ông Lợi nói thêm.

Về học phí 2,5 triệu đồng/1 học viên, ông Lợi cho biết đây là quy định chung của tỉnh và trường Đại học Quảng Bình, huyện không nắm, huyện chỉ liên hệ địa điểm dạy và lập danh sách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, ông Hồ Vũ Thường cũng nhận định, việc bắt buộc 100% giáo viên trong biên chế phải đi bồi dưỡng là không đúng.

“Nếu bắt buộc như vậy là không đúng! Các thông tư hướng dẫn là để giáo viên có nhu cầu đăng ký. Còn bắt buộc là không đúng với tinh thần. Tôi sẽ cho kiểm tra lại và có điều chỉnh” - ông Thường nói.

Ông Thường cũng thẳng thắn thừa nhận: “Có những đối tượng không có nhu cầu thăng hạng, bởi nhu cầu thăng hạng nó gắn liền với quyền lợi. Quyền lợi thứ nhất là thay đổi bậc lương, thì họ cũng đã gần hết, không tăng được bậc lương nữa. Hoặc là nó gắn liền với quyền lợi quy hoạch chức danh thì họ cũng chẳng cần nữa. Nên không thể bắt buộc họ đi học. Kể cả bồi dưỡng. Trong lúc học phí thì quá cao, lương giáo viên thì thấp”.

Được biết, để triển khai thực hiện việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên toàn tỉnh, ngày 09/5/2018 UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định số 1499/QĐ – UBND giao cho trường Đại học tỉnh Quảng Bình tổ chức bồi dưỡng. Phía trường Đại học Quảng Bình đã có Thông báo tuyển sinh và quy định mức học phí là 2,5 triệu/1 học viên, với chương trình bồi dưỡng 240 tiết.

Lý giải các Thông tư 20/2015, 21/2015, 22/2015 của liên bộ Giáo dục và đào tạo - Bộ nội vụ không bắt buộc các giáo viên phải đi học bồi dưỡng khi không có nhu cầu, Luật sư Lê Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Hùng (Hà Tĩnh) cho biết, các điều khoản trong các thông tư là quy định "cứng" các điều kiện cần dành cho giáo viên có nhu cầu thăng hạng, chuyển ngạch. Tuy nhiên, các Thông tư cũng quy định việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế tại địa phương. Nhất là các Thông tư có điều khoản "mở", khi quy định rõ các trường hợp đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC ngày 08 tháng 6 năm 1994 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành giáo dục và đào tạo; Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch của một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định tại các Thông tư liên tịch.

Luật sư Lê Hùng dẫn chứng: Tại điều 8 Thông tư 20/2015 quy định, viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên mầm non theo quy định trước đây, sẽ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên mầm non cao cấp (mã số 15a.205); Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên mầm non chính (mã số 15a.206); Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch giáo viên mầm non (mã số 15.115).

"Như vậy, việc bồi dưỡng chứng chỉ để chuẩn hóa, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp chỉ dành cho những đối tượng chưa được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên trước đây và hiện nay có nhu cầu chuyển ngạch, thăng hạng, chứ không bắt buộc" - Luật sư Lê Hùng nói.

Tác giả: Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo điện tử Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP