Tin địa phương

Quảng Bình có “ưu ái” cho những vi phạm của Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba?

Mặc dù gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhất là 2 hồ chứa nước thải xả thẳng ra môi trường có các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 đến 03 lần. Thế nhưng, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới chỉ bị lập biên bản vi phạm hành chính chứ không hề bị xử phạt.

Đã bị lập biên bản vi phạm hành chính...

Liên quan tới những phản ánh của hàng chục hộ dân sống cạnh 2 hồ chứa nước thải của bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới về những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và môi trường từ những ô nhiễm mà 2 hồ chứa này gây ra, PV báo Bảo vệ pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu và biết rằng đơn vị này đã từng bị Thanh tra Sở tài nguyên môi trường lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Biên bản vi phạm hành chính đã được lập...

Theo đó, ngày 28/05/2018 Thanh tra sở TNMT đã lập biên bản vi phạm hành chính số 19/ BB-VPHC về lĩnh vực Bảo vệ môi trường, với các hành vi cụ thể như sau:

Xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần (lưu lượng xả thải 350m3/ ngày đêm) cụ thể: Chỉ tiêu BDD5 vượt 1,56 lần chỉ tiêu; Amoni vượt 2,6 lần vi phạm quy định tại khoản 3 điều 13, nghị định số 155/2016/NĐCP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT.

Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Hào- Chi cục trưởng chi cục BVMT khẳng định việc dân phản ánh ô nhiễm tại hồ đó là có cơ sở: “Sở đã có nhận được phản ánh của người dân và đã lên kiểm tra thực tế tại hồ đó, việc dân họ phản ánh ô nhiễm tại hồ đó là có cơ sở”.

... Nhưng bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới lại không bị xử phạt

Đồng thời ông Hào cũng nêu rõ thực trạng ô nhiễm này: “Những ngày thời tiết thay đổi thì xác rong tảo nó nổi lên, phân hủy ra gây nên mùi hôi. Hiện nay do hệ thống xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường của bệnh viện chưa hoàn thiện cho nên họ cũng sử dụng 2 hồ này theo phương thức xử lý truyền thống từ xưa đến nay. Mặc dù đã nâng cấp vài lần nhưng vẫn không thể đáp ứng việc áp dụng các công nghệ mới vào xử lý mà xử lý tùy nghi ra tự nhiên”.

Để khẳng định lại việc phản ánh của người dân về ô nhiễm ở 2 hồ này là có cơ sở, ông Hào nêu dẫn chứng: “Quy mô bệnh viện ngày càng tăng dần lên, nhiều khoa phòng, chức năng tăng lên mà hồ thì càng ngày càng hẹp đi. Mặc dù có cải tạo vài lần nhưng chỉ là xây bao lại, xây tường lên còn các chức năng xử lý thì vẫn không có gì thay đổi. Khi đánh giá tác động môi trường người ta cũng dã đầu tư hệ thống xử lý AO và hệ thống đó đang vận hành thử cho nên phải sử dụng 2 hồ này để xử lý thì 1 số thông số nó vượt là đương nhiên”.

Bên cạnh đó để xảy ra những vấn đề ô nhiễm này theo ông Hào còn nằm ở vấn đề quản lý từ bệnh viện: “Việc quản lý của họ (bệnh viện-PV) là chưa đến nơi đến chốn, ví dụ như không vớt xác thực vật trôi nổi trên mặt hồ, không có biện pháp quản lý các đoạn tường rào bị vỡ không xây lại nên dân họ tiện vứt rác xuống. Trong khi mình không có hoạt động để vận động, khuyến cáo cho người dân để người dân họ tự do làm việc ấy, từ đó ảnh hưởng tới mỹ quan và môi trường chung”.

Không bị xử phạt.

Mặc dù gây ô nhiễm trầm trọng lên môi trường và cuộc sống sức khỏe của người dân, nhưng việc lập biên bản vi phạm hành chính chỉ là hình thức, bởi đến nay chưa có mức chế tài xử phạt thích đáng nào được đưa ra áp dụng.

Nói về việc này, ông Hào cho biết: “Về nguyên tắc xả nước thải trực tiếp ra môi trường như thế là vi phạm, nhưng khi xử lý sai phạm, xử phạt thì vượt thẩm quyền của sở cho nên phải đề nghị lên Uỷ ban xử phạt, thẩm quyền của sở chỉ từ mức phạt 100 triệu đổ lại thôi, còn trên 100 triệu là Uỷ ban tỉnh xử lý”.

Mức độ ô nhiễm ở hồ chứa nước thải rất trầm trọng

“Đây là 1 quá trình lịch sử, nguồn lực đầu tư thì không có, nên khi kiểm tra phát hiện sai phạm thì nhắc nhở yêu cầu. Bệnh viện họ cũng không có tiền, ngày xưa ở tỉnh thì không có tiền mà đầu tư, bây giờ qua Bộ thì họ cũng đầu tư dần" - ông Hào cho biết thêm.

Lý giải việc chưa đưa ra chế tài xử phạt, ông Trần Phong- Giám đốc sở TNMT cho biết: “Đây là 1 đơn vị công ích, làm vì lợi nhuận là không có, nên mình chỉ cảnh cáo, yêu cầu họ phải khắc phục để rồi hoàn chỉnh thôi chứ không phạt họ. Lúc đầu Sở cũng tính phạt, nhưng sau nghĩ lại, đây là 1 đơn vị công ích chứ họ cũng không kinh doanh gì”.

Trước đó, vào cuối năm 2016, cũng liên quan tới việc gây ô nhiễm môi trường từ bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, báo Bảo vệ pháp luật đã có bài viết phản ánh về lò đốt rác thải y tế của bệnh viện này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu độc người dân. Sau đó, bệnh viện đã bị sở TNMT lập biên bản và trình Uỷ ban tỉnh quyết định xử phạt 140 triệu đồng, nhưng sau đó cũng không bị xử phạt.

“Năm 2016 đơn vị này bị phạt 140 triệu vì hệ thống lò đốt cũ đã xuống cấp mà họ không sửa chữa, chúng tôi đã qua lập biên bản về lỗi vận hành không đúng với nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, mức xử phạt trung bình là 140 triệu. Nhưng khi trình qua Uỷ ban sau đó mấy ngày thì họ hoàn chỉnh công nghệ lò hấp, tức là rác thải y tế họ không đốt nữa, đạt tiêu chuẩn rồi nên Uỷ ban xét thấy không phạt nữa”. Ông Phan Tiến Cảm- Chánh thanh tra sở TNMT Quảng Bình cho biết.

Với những “ưu ái” này từ các các cơ quan chức năng như vậy dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi, có chăng những sự “thông cảm” này chính là nguyên nhân làm “lờn thuốc”, khiến bệnh viện này vẫn thản nhiên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư?

Tác giả: Nguyễn Cường- Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo điện tử Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP