Tin địa phương

Quảng Bình: Cần đánh giá lại chất lượng giám sát công trình

Sau sự cố sập giàn giáo khi thi công sàn tầng 2, tại công trình Nhà hàng tiệc cưới Royal Wedding Places. Chính quyền đã lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ sự cố công trình.

Cùng với đó đã tham vấn ý kiến của một số cơ quan chuyên môn, nhằm nhận định nguyên nhân, cũng như đánh giá lại chất lượng giám sát công trình xây dựng tại địa phương.

Yêu cầu tạm ngừng thi công đối với công trình nhà hàng tiệc cưới Royal Wedding Places.

Giàn giáo thiếu tính ổn định

Theo ông Trần Quốc Tăng - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đồng Hới, đây là sự cố sập giàn giáo và một phần công trình khi đang thi công. Thời điểm đó, nhà thầu đang đổ bê - tông sàn tầng 2. Khi tiến hành đổ bị sụt hệ thống giàn giáo chống bê tông, giàn giáo biến dạng và sụp đổ.

Khi sự cố xảy ra, Cty đã không lập báo cáo hiện trạng sự cố, gửi đến cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Tự ý phá dỡ, thu dọn hiện trường, xử lý sự cố độc lập. Do đó, việc nhận định được nguyên nhân gây ra do ngoại lực tác động vào giàn giáo tiệp hay các thanh ngang giằng chéo thiếu tính ổn định cũng không phải dể dàng.

Lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường, ghi nhận thông tin của những người có liên quan. Thông tin chính thức nguyên nhân vụ việc sẽ công bố sau khi có những đánh giá chuyên ngành. Tuy nhiên, giả thuyết ban đầu về nguyên nhân gây nên sự cố là do chất lượng giàn giáo không đảm bảo an toàn.

Về mặt quản lý Nhà nước, khi sự cố công trình xảy ra, Cty đã vi phạm Điều 47, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về Quản lý và bảo trì chất lượng công trình: Chủ đầu tư không báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, không tổ chức bảo vệ hiện trường, tự ý phá dỡ, thu dọn hiện trường, không lập hồ sơ sự cố công trình theo quy định.

Ngày 29/3, UBND phường Đồng Phú đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành. Đối chiếu với Điều 21, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, sẽ phạt tiền ở mức 2,5 triệu đồng và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ sự cố công trình. Tạm ngừng thi công để khắc phục hậu quả. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày quyết định ban hành, yêu cầu Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Hải Thành có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, vấn đề mà dư luận đang quan tâm hiện nay là tính an toàn trong kết cấu, chất lượng của phần công trình còn lại, nếu tiến hành thi công tiếp có bị ảnh hưởng gì không?

Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Quốc Tăng - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đồng Hới cho rằng: Tôi trước đây cũng từng tham gia rải thép, đổ sàn bê - tông nhiều công trình, cũng hiểu được bản chất của sự cố trên.

Nhiều nguyên nhân để giàn giáo bị oằn lún, có thể là do thiếu tính ổn định bởi các thanh giằng ngang hoặc bị tác động ngoại lực lên đó, cũng không ngoại trừ năng lực thi công của nhà thầu.

Thường thì, khi sự cố xảy ra, đối với phần công trình không bị sụp đổ, cần được kiểm tra về kết cấu xem còn ổn định, khả năng chịu lực hay không. Đối với hệ thống thép rải sàn, khi đã bị uốn võng nếu có thể nấn chỉnh lại thì nấn chỉnh, không thì cần thay mới.

Độ an toàn và tuổi thọ của công trình sẽ được kiểm chứng khi đã hoàn thiện và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, để kiểm soát sự cố, đảm bảo chất lượng cũng như sự an tâm của người dùng. Công tác giám sát công trình, kiểm tra phát hiện các lỗi phát sinh trong xây lắp phải được chú trọng.

Từ sự cố sập giàn giáo tại công trình nhà hàng tiệc cưới Royal Wedding Places nói trên, cần phải đánh giá lại hoạt động giám sát tại các công trường. Vì thông thường, các công trình của tư nhân thì khâu quản lý rủi ro, sự cố hoàn toàn bị động.

Dao sắc không bằng chắc kê

Trao đổi với Báo Xây dựng về sự cố sập giàn giáo tại công trình nhà hàng tiệc cưới Royal Wedding Places. Ông Nguyễn Ngọc Tình - Trưởng phòng Quản lý Hoạt động Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) không bình luận đúng sai vì ông chưa được xác thực về thông tin.

Tuy nhiên, ông Tình phân tích: Bất cứ sự cố nào xảy ra đều xuất hiện dấu hiệu trước đó. Người chỉ huy trực tiếp công trường nếu không phát hiện được phải thận trọng tiếp nhận và xem xét khi có phản ánh, dù là nhỏ. Tại các công trường, chỉ huy trưởng phải phân công cho một nhân lực chuyên phụ trách an toàn lao động. Thường xuyên kiểm tra các hệ thống, thiết bị xem có gì khác lạ hay không.

Từ thiết kế đến gia công, chế tạo rồi lắp đặt, di chuyển giàn giáo qua các khối thi công là một câu chuyện dài. Trước khi đổ bê tông đã kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá lại an toàn hay chưa? Hệ thống đà giáo, cốp pha đảm bảo chưa?... Chỉ một yếu tố nhỏ trong chuỗi quy trình đó không ổn sẽ xuất hiện nguy cơ tai nạn.

Dân xây dựng truyền tai nhau rằng “dao chắc không bằng chắc kê”. Hệ thống giàn giáo quan trọng liên quan mật thiết đến yếu tố chất lượng. Hệ thống giàn giáo không ổn định, bị biến dạng, chắc chắn công trình khó đạt chuẩn chất lượng.

Thậm chí vô hình chung dễ gây ra nguy cơ tai nạn với chính đội ngũ công nhân đang thi công. Đối với phần công trình bị ảnh hưởng nhưng không sụp đổ, cần kiểm tra lại kết cấu, khả năng chịu lực để có phương án thi công tiếp.

Hơn nữa, khâu thẩm định hồ sơ dự án đầu tư xây dựng trước khi cấp phép cần được tiến hành kĩ lưỡng. Sử dụng phần mềm chuyên ngành để thực nghiệm, đánh giá khả năng chịu lực của công trình. Có phương án hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh hồ sơ thiết kế công trình ngay sau đó. Tránh các sự cố công trình có thể phát sinh.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP