![]() |
Vùng nuôi cá đặc sản ở Vũng Chùa-Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình |
Cá chết do nước ô nhiễm?
Anh Lê Văn Quân, thành viên Hợp tác xã sản xuất và thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa-Đảo Yến là một trong những hộ nuôi có cá chết bất thường những ngày qua.
Anh cho biết, sau một trận mưa lớn và gió mạnh mới đây, anh và một số người nuôi hải sản chạy xuồng ra thăm vùng nuôi thấy nhiều váng đen phủ trên mặt nước. Với hiện tượng này, cá nuôi trong lồng bơi lờ đờ, bỏ ăn rồi chết dần.
Người dân cho rằng, váng đen này khi dùng tay vớt lên cảm giác không bị dính nhớt như dầu, khỏa lên mặt nước tay cũng sạch và váng bọt tan chìm xuống. Đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra trên vùng biển Vũng Chùa-Đảo Yến.
Cùng chung sự lo lắng, anh Bùi Anh Tuấn, thành viên Hợp tác xã cho rằng mình là hộ bị thiệt hại nhiều nhất do lượng cá nuôi chết nhiều. Trước đó một tháng, anh thả 1.500 con giống cá bớp (chiều dài cá giống gần 20cm), với giá 40-45 nghìn đồng/con.
Hằng ngày, anh thu mua cá biển loại nhỏ rồi thả vào lồng cho cá bớp ăn. Khi cá đang giai đoạn phát triển nhanh và hy vọng có được vụ nuôi bội thu thì cá chết nổi trắng lồng khiến anh rất lo lắng, bởi chưa bao giờ xảy ra hiện tượng này.
![]() |
Cá bớp giống giá khá cao, vừa mới thả được một thời gian thì chết gây thiệt hại cho người nuôi. |
“Khoảng 2 ngày sau khi phát hiện váng đen bao vây khu nuôi biển thì cá bắt đầu chết. Sáng nào mọi người đều kéo lưới trong lồng lên để kiểm tra cá và vớt cá chết bỏ đi nên nắm rõ lượng cá còn lại trong lồng. Thiệt hại ban đầu của gia đình khoảng 50 triệu đồng” - anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, những hộ nuôi thủy sản ven biển Vũng Chùa-Đảo Yến không chỉ lo lắng bởi thiệt hại về kinh tế mà còn nghi ngại khi vùng nuôi biển không còn được an toàn như trước đây. Và như vậy, nghề nuôi thủy sản trên biển không biết có trụ lại được hay không?
Nguyên nhân từ đâu?
Ghi nhận của phóng viên ngày 8/4, vùng biển Vũng Chùa-Đảo Yến trời có nắng nhạt và sóng nhẹ. Mặt biển không còn những váng đen như thông tin mà bà con cung cấp nhưng theo một số người thì cá nuôi nuôi trong lồng vẫn còn chết rải rác.
Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa-Đảo Yến Cao Minh Thái, toàn bộ diện tích vùng nuôi biển của bà con đều bị váng đen tràn qua và dẫn tới hiện tượng cá nuôi trong lồng chết.
Bà con nghi ngờ cá chết là do bụi than đá, nước mưa chảy từ bãi than lớn trên cảng Hòn La gây nên.
![]() |
Không chỉ thiệt hại về kinh tế trước mắt mà người dân lo lắng về chất lượng nguồn nước biển ở Vũng Chùa-Đảo Yến ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề nuôi thủy sản trên biển. |
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhận định này chưa có căn cứ bởi người dân không kịp thời trình báo sự việc, hiện tượng này với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, cũng không lấy mẫu nước có váng đen để đưa đi kiểm tra, xét nghiệm xác định thành phần.
Ngày 8/4, khi chúng tôi có mặt tại Vũng Chùa, không có váng đen trên mặt nước hoặc vón cục trên bãi biển.
Sau khi váng đen không còn, một số bà con liên hệ với đơn vị cung cấp cá giống để tái thả nhằm bổ sung vào số cá đã chết.
Theo nhiều hộ nuôi thủy sản ở Quảng Đông cũng như quan sát thực tế của chúng tôi, bãi than đá tại cảng Hòn La cao như núi và phơi trong nắng gió là điều đang hiện hữu. Mỗi khi có gió lớn, lượng lớn bụi than bốc lên và bị cuốn đi xa. Còn khi xảy ra mưa to, nước từ bãi than đá chảy xuống biển. Trong khi khoảng cách từ bãi than đến vùng nuôi thủy sản khoảng 3,5km.
Ông Cao Minh Thái cho biết thêm, thiệt hại với các hộ nuôi cũng chưa lớn nên có thể khắc phục được. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng nhất là hiện tượng váng đen tràn về có còn xảy ra nữa hay không và nếu như vậy, thiệt hại tiếp tục xảy ra thì cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm?
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: Báo Nhân dân