Kinh tế

Phụ nữ Việt muốn thăng tiến không phải vì tiền

Cuộc khảo sát gần đây của Navigos cho biết, hai lý do chính phụ nữ Việt muốn thăng tiến là đam mê và muốn chứng tỏ bản thân.

Theo khảo sát trên 1.000 nhân sự trung và cao cấp tại các doanh nghiệp của Việt Nam do Navigos thực hiện, hai động lực chính khiến phụ nữ muốn thăng tiến cao hơn trong công việc là đam mê và muốn chứng tỏ bản thân, chứ không phải là tiền lương.

Cuộc khảo sát cũng ghi nhận những tồn tại của mất cân bằng về giới trong hàng ngũ quản lý, lãnh đạo của doanh nghiệp. Có đến 68% nói rằng phụ nữ làm quản lý ở cấp trung và cao ở công ty họ chỉ chiếm chưa đến 40%. Chỉ 10% nghĩ rằng phụ nữ thích hợp với vai trò giám đốc hoặc giám đốc điều hành.

Quá trình thăng tiến của phụ nữ hiện cũng khá gian nan. 13% nói công ty họ có lộ trình phát triển cho phụ nữ vào các vị trí quản lý. Chỉ 4% cho biết công ty có chính sách đào tạo phụ nữ vào vị trí lãnh đạo.

Theo bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search, thách thức chủ yếu khiến phụ nữ trong nghiệp doanh ở Việt Nam khó thăng tiến là các luật bất thành văn, những tư tưởng có sẵn trong tiềm thức như quan điểm phụ nữ không giỏi quản lý hay STEM (các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) như nam giới. Ngoài ra, đó còn là những áp lực do những người phụ nữ muốn thăng tiến tự tạo ra cho mình.

"Phần đông mọi người vẫn cho rằng phụ nữ không phù hợp với vị trí lãnh đạo. Do vậy, phụ nữ cần nhiều thời gian hơn để thăng tiến", bà Mai nhận xét.

Tuy nhiên, điểm lạc quan là một tỷ lệ nhất định người tham gia khảo sát công nhận sự đa dạng về giới ở mọi cấp độ nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Ba lợi ích cơ bản là giúp giải quyết vấn đề hiệu quả, khả năng làm việc với đa dạng khách hàng, hiệu quả tuyển dụng - giữ chân nhân tài, với tỷ lệ đồng ý lần lượt là 26%, 22% và 14%.

"Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho rằng, cần phụ nữ làm lãnh đạo trong lực lượng lao động vì họ có những khả năng như nhận diện rủi ro tốt hơn đàn ông. Phụ nữ có sự đồng cảm cao hơn, ham học hỏi, có tính cạnh tranh và đóng vai trò duy trì mối quan hệ tốt. Bất kỳ điều gì họ làm cũng cân nhắc quan hệ xung quanh. Họ cũng có tư duy nhìn nhận toàn diện", bà Nguyễn Thiên Thanh - CEO Edelman Việt Nam bình luận.

Với quan điểm này, bà Thanh cho hay công ty đặt chỉ tiêu phụ nữ nắm 50% vị trí quản lý, lãnh đạo vào 2020. Trong khi đó, ông Scott Pugh - Giám đốc Quản lý Khách hàng - LinkedIn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản bật mí, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo trong LinkedIn toàn cầu là 38% và đang hướng đến con số 50%.

"Chúng tôi luôn cố gắng đa dạng hóa lực lượng lao động với nhiều giới, chủng tộc, xuất thân... để có nhiều ý tưởng hơn. Những người giống nhau thì dễ làm việc với nhau nhưng những ý kiến trái ngược nhau để tạo ra những mới lạ, khác biệt cần phải có", ông Scott Pugh bày tỏ quan điểm.

Tác giả: Viễn Thông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP