Trong nước

Phó Thủ tướng: Không đầu tư BOT trên tuyến đường độc đạo

“Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không đầu tư trên tuyến đường độc đạo, để đảm bảo người dân có sự lựa chọn trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Chiều ngày 4/6, Bộ trưởng GTVT tiếp tục đăng đàn trả lời những nội dung liên quan đến đường sắt, vấn đề BOT...

Trước đó, vào buổi sáng, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phản ánh tình trạng tai nạn đường sắt liên tục xảy ra, trong báo cáo có nêu là do lạc hậu, nguyên nhân chính là hạ tầng đường sắt thấp kém và đặc biệt tham mưu đề xuất như Bộ trưởng nêu là còn yếu kém.

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy trong báo cáo của Bộ GTVT, việc đầu tư cho đường sắt rất ít mà tập trung đầu tư đường sắt Cát Linh-Hà Nội và số đường sắt khác.

Đai biểu Minh đề nghị Bộ trưởng Thể cho biết nếu ưu tiên như vậy, có khắc phục được tình trạng tai nạn đường sắt như vừa qua hay không? Tại sao không tập trung nguồn vốn để đầu tư, đề xuất đầu tư cho an toàn đường sắt trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Thể cho biết, Bộ GTVT vẫn quan tâm đến việc đầu tư cho ngành đường sắt, trong đó có việc bổ sung 7.000 tỷ để nâng cấp một số hạng mục. Còn đường sắt đô thị đang cần thiết cho các thành phố lớn. Theo ông Thể, mục tiêu đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia có mục tiêu khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Thể thực tế hiện nay đầu tư cho đường sắt chỉ từ 2-7%, so với tổng chi của ngành giao thông là thấp. Chúng ta đang mâu thuẫn mình, nâng cấp đường sắt hiện nay thế nào cho hợp lý, vì đường sắt hiện này đang lạc hậu.

“Đường sắt khổ 1m thì chỉ có Việt Nam và vài nước dùng thôi, cả thế giới này dùng 1,435m. Do đó, khi nâng cấp hết sức đắn đo, việc đổ tiền nhiều trong khi hiệu quả thấp, không kết nối được là mâu thuẫn”, ông Thể nói.

Theo ông Thể, những năm qua Bộ rất trăn trở nâng cấp sao cho hiệu quả, làm đường sắt hiện đại, đường đôi để đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Nếu không phê duyệt đường sắt tốc độ cao thì khó đáp ứng.

Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng đề nghị ông Thể làm rõ việc công khai thu phí BOT. “Bộ trưởng cho hay chưa công khai được thu phí BOT bởi vì đang đợi quyết toán. Vậy xin hỏi Bộ trưởng tại sao chưa quyết toán, chưa biết tổng mức đầu tư thì dựa vào cơ sở nào để xác định mức thu phí BOT và thời gian thu phí BOT trong khi việc thu phí này đã và đang được triển khai, như vậy có phải là đang áng chừng mức thu phí hay không”, đại biểu Hương nói.

Theo ông Thể, Nhà nước đặt hàng các doanh nghiệp nâng cấp đường để cung cung cấp dịch vụ công. Do đó, việc thu phí của các doanh nghiệp BOT là phù hợp với chủ trương, đường lối của nhà nước.

“Những dự án BOT thì nhà đầu tư BOT có trách nhiệm duy tu, nâng cấp. Nếu không duy tu tốt thì dừng không cho thu phí. BOT kinh doanh trong hệ thống pháp luật nhưng vẫn phải duy tu, bảo dưỡng”, ông Thể nói.

Ông Thể cũng tiếp thu ý kiến đại biểu, việc công khai thông tin BOT ở các trạm thu phí là hoàn toàn trong tầm tay. Ông Thể cho biết, từ giờ đến cuối năm hệ thống thu phí tự động sẽ vào hoạt động. Tình hình các trạm thu phí cũng sẽ được công khai trên trang thông tin địa tử của bộ. Ông Thể mong cử tri, đại biểu vào đó để kiểm tra, giám sát các trạm BOT.

Làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến ngành GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, quan điểu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu thanh tra, kiểm tra xem việc chỉ định thầu có đúng quy định của pháp luật hay không; Xem việc đầu tư xây dựng các công trình có đúng quy trình mà pháp luật quy định hay không; Xem có việc thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn, thẩm định, thiết kế và các cán bộ nhà nước để tăng khối lượng, tăng tổng đầu tư gây thất thoát cho nhà nước hay không.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, qua việc xem xét trên nếu phát hiện sai phạm sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của Nhà nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến ngành giao thông

Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT, Phó Thủ tướng khẳng định đây là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội, do nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước hạn hẹp.

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, việc đầu tư như vậy đã phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cũng có một số dự án đã bộ lộ nhiều hạn chế về chất lượng đầu tư còn thấp, mức phí cao, thời gian thu phí dài, đặc biệt là vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý gây bức xúc trong dư luận. Nhiều nơi có sự phản ứng mạnh mẽ của người dân.

Trước tình hình trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để lập lại trật tự, kỷ cương trong đầu tư xây dựng nói chung, nhưng đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT như yêu cầu Bộ GTVT rà soát tất cả các dự án BOT, để xác định đúng tổng mức đầu tư, kiểm soát chất lượng công trình. Từ đó, xác định chi phí, thời gian thu phí hợp lý, cũng như những giải pháp khắc phục việc đặt trạm thu phí.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, đặc biệt là hình thức đầu tư xây dựng theo hình tức hợp tác công tư, để khắc phục các kẽ hở làm thất thoát vốn và tài sản của nhà nước.

Tiếp túc rà soát các dự án BOT và xử lý khắc phục tồn tại như đại biểu, cử tri đã nêu. Xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phải xác định rõ các tuyến đường, công trình đầu tư theo hình thức BOT và từ đó công bố, công khai nhà đầu tư, người dân biết. Lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu và người dân biết để kiểm tra, giám sát.

“Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không đầu tư trên tuyến đường độc đạo, để đảm bảo người dân sự lựa chọn trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Tác giả: Quang Phong – Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP