Trong nước

Phó chủ tịch QH yêu cầu chấm dứt tình trạng để quên học sinh trên xe đưa đón

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết vừa qua có nhiều vụ để quên trẻ em trên xe chở học sinh, cần ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu - Ảnh: Lâm Hiển

Sáng 11-6, tại Phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và Anh Ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Ông Lê Tấn Tới cho biết ngày 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cơ bản các ý kiến đều tán thành với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định xe ôtô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo Luật.

Ông Lê Tấn Tới cho rằng việc bổ sung quy định này nhằm tránh tình trạng học sinh bị tử vong trên xe như tại tỉnh Thái Bình, Hà Nội và một số địa phương thời gian qua.

Liên quan tới nội dung này, phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết vừa rồi có nhiều vụ bỏ quên trẻ em trên xe chở học sinh, do đó, cần ngăn chặn để chấm dứt tình trạng này.

Theo ông Trần Quang Phương, Điều 46 tại dự thảo luật đã viết tương đối chặt chẽ. Theo đó, xe đưa đón học sinh phải có tiêu chuẩn riêng, làm sao để người quản lý, người lái xe khi xuống khi xe đảm bảo trên xe không có con người.

"Chúng ta cần thông tin nội dung này rộng rãi, kiểm soát thực hiện một cách chặt chẽ để đảm bảo các xe không đủ tiêu chuẩn phải bị loại hết. Xe đủ tiêu chuẩn có dán nhãn nhưng cũng phải tránh lợi dụng. Tôi rất ủng hộ và hoan nghênh nội dung này"- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng phải siết chặt nghiêm ngặt về quy trình đưa đón trẻ. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) dẫn vụ việc thương tâm của cháu bé ở Thái Bình tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe và nhấn mạnh cần phải quy định việc đưa đón học sinh đến trường bằng các chế định trong các đạo luật phù hợp, trong đó có Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 46. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ôtô chở học sinh, trẻ em mầm non

1. Xe ôtô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ;

b) Xe ôtô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

2. Xe ôtô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 36; có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.

3. Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ôtô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ôtô. Người lái xe, người quản lý có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.

4. Lái xe ôtô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

5. Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

6. Xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Tác giả: Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP