Tin địa phương

Phát triển nông nghiệp phải gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chiều nay, 20/10. Tham dự có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các đơn vị thuộc ngành NN-PTNT.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ 10 tháng năm 2023 trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh, giá vật tư NN, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao, trong khi phần lớn giá nông sản thấp đã ảnh hưởng đến sản xuất.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, địa phương cùng với sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp nên sản xuất NN cơ bản ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2023 ước tăng 2,87% so với cùng kỳ; cả năm phấn đấu đạt 3,5%.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cơ cấu lại ngành NN theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và bền vững tiếp tục được triển khai có hiệu quả; khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế địa phương. Công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai quyết liệt, góp phần bảo vệ sản xuất. Khai thác, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển, bước đầu hình thành 2 khu đồng quản lý; công tác chống khai thác IUU được triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 68%.

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp; nhiều tiến bộ kỹ thuật gắn với chuyển đổi số tiếp tục chuyển giao, nhân rộng trong sản xuất; hợp tác xã NN tăng về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Giám đốc Sở NN-PTNT báo cáo kết quả đạt được của ngành NN trong 9 tháng năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, ngành NN-PTNT vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Sản xuất theo hướng hàng hóa, NN công nghệ cao, NN hữu cơ tuy đã hình thành nhưng quy mô nhỏ; các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn chưa thực sự chặt chẽ và phát triển; chưa có sản phẩm OCOP thực sự trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phần lớn hợp tác xã, trang trại, ngành nghề nông thôn quy mô nhỏ, thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Vẫn còn tình trạng nông dân không sản xuất vụ hè-thu trên những cánh đồng đủ điều kiện sản xuất; vi phạm quy định về chống khai thác IUU, quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ đê điều. Nhiều địa phương không giữ được tiêu chí nông thôn mới (NTM) đã đạt trước đây. Nguồn lực để thúc đẩy NN phát triển chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm năng.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, trên cơ sở các tồn tại, hạn chế và các kiến nghị, đề xuất của Sở NN-PTNT, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã thảo luận liên quan đến các nội dung, như: Ưu tiên bố trí kinh phí cho phát triển sản xuất NN, tu sửa đê điều, nâng cao hiệu quả sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp; thủy lợi, nước sạch và phòng, chống thiên tai; xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống; PTNT, NTM; công tác tổ chức bộ máy...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành NN-PTNT đã đạt được trong thời gian qua, mặc dù chưa có sự đột phá mạnh; đồng thời chỉ rõ các hạn chế cần phải khắc phục để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất NN, khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm phát biểu tại buổi làm việc.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với Quảng Bình, NN vẫn là một trong những trụ cột quan trọng, vì vậy, ngành NN-PTNT cần phải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh định hướng, chiến lược tạo bước phát triển trong từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp để tiếp tục khẳng định là 1 trong 4 trụ cột, là bệ đỡ của nền kinh tế, của tỉnh bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Phát triển NN công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số; chuyển tư duy từ sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo hiệu quả đầu tư và kết quả phát triển, tăng trưởng của ngành NN. Phát triển NN phải gắn với phát triển du lịch và xây dựng NTM.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo phát triển nông nghiệp phải gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo cụ thể về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực NN, lâm nghiệp và thủy sản; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng NTM; triển khai tốt vụ sản xuất đông-xuân; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án NN.

Đặc biệt, ngành NN-PTNT cần chủ động phối hợp với các sở, ngành và liên kết với các tỉnh, thành phố, các trường đại học để nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ có hiệu quả, nhằm tạo sự đột phá trong lĩnh vực NN, nông thôn.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP